Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Bài thuốc trị tiêu chảy

Tiêu chảy là đại tiện ra phân lỏng, có khi toàn nước, số lần đại tiện tăng nhiều lần hơn lúc bình thường kèm theo các chứng đau bụng, nôn mửa hoặc sốt...

Không được nhịn ăn

Theo lương y Hoài Vũ, tiêu chảy không phải là một bệnh mà là một triệu chứng có liên quan đến nhiều bệnh về tiêu hóa và nhiễm khuẩn, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc điểm chung của tiêu chảy là cơ thể mất nhiều nước và muối khoáng nên có thể mệt mỏi, dẫn tới sốt cao, co giật, thậm chí tử vong.

Tiêu chảy - dù là nguyên nhân gì, điều trước tiên là phải bổ sung nước và muối khoáng Oresol, hoặc bằng nước chín (nước đun sôi để nguội). Cứ 1 lít nước cho vào 8 thìa cà phê đường và 1 thìa cà phê muối, đun sôi rồi để nguội, cứ mỗi giờ uống 5 - 100 ml. Cũng có thể cho uống nước gạo rang có bổ sung muối và đường.


Hoắc hương, Hậu phác, Sắn dây - Ảnh: K.Vy

Khi bị tiêu chảy, dù là người lớn hay trẻ em cũng không nên nhịn ăn. Điều này chẳng những không làm giảm tiêu chảy mà còn làm cơ thể suy nhược hoặc tiêu chảy mạnh hơn.

Những bài thuốc chữa tại nhà

Theo lương y Hoài Vũ, nếu tiêu nhiều lần, phân lổn nhổn, nhiều nước, màu vàng, mùi chua là rối loạn tiêu hóa thông thường (do nhiễm lạnh, ăn quá nhiều, ăn đồ ăn lạ...). Trong trường hợp này chỉ cần thay đổi, điều chỉnh chế độ ăn, kiêng ăn đồ ăn lạ, và cho uống bài thuốc sau: củ gấu (giã dập, sao vàng) 20g, búp ổi (sao vàng) 20g, vỏ quýt (sao thơm) 12g, củ sả (sao vàng) 12g, gừng tươi 8g. Cho vào ấm, đổ thêm 500 ml nước sắc kỹ, chắt lấy 200 ml nước thuốc chia uống 2 lần trong ngày.

Nếu tiêu nhiều lần, lúc đầu ít phân, sau ra toàn nước như nước gạo, kèm đau bụng và nôn mửa, cơ thể suy sụp nhanh chóng thì phải nghĩ ngay tới tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, nguy hiểm và lây lan rất nhanh. Cần phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị và cách ly, đồng thời phải khử trùng, tiêu hủy mầm bệnh. Ở những nơi xa, trong khi chờ đưa đến bệnh viện có thể cho uống tạm bài thuốc sau: hoắc hương 40g, hậu phác (sao thơm) 20g, trần bì (sao thơm) 20g, vỏ rụt (nam mộc hương) 20g, can khương 12g. Cho hết vào ấm cùng 600 ml nước sắc còn 200 ml chia uống 2 lần trong ngày.

Nếu tiêu lỏng, có dấu hiệu mất nước rõ (môi khô, mắt trũng, lờ đờ), bị sốt, người mệt mỏi, suy sụp phải nghĩ tới tiêu chảy do nhiễm độc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thần kinh. Trường hợp này cũng phải đi khám, điều trị. Có thể cho uống bài thuốc sau: sắn dây 30g, rau má 40g, bông mã đề 20g, cam thảo dây 12g, rửa sạch các vị thuốc trên, giã dập, cắt nhỏ rồi cho 600 ml nước vào, sắc còn 200 ml chia uống 2 lần trong ngày.

Đi tiêu nhiều lần, phân sền sệt, màu nâu, mùi thối khẳm, sốt vật vã phải nghĩ tới hội chứng hoại tử ruột, và phải đến bệnh viện để điều trị. Khi chờ đợi có thể cho uống bài thuốc: bố chính sâm (sao gừng) 20g, sa nhân 16g, vỏ quýt 16g, củ mài 16g, gạo tẻ rang cháy 30g, can khương 16g, vỏ rụt 20g, cho 600 ml nước vào sắc còn 200 ml, chia uống 2 lần trong ngày.

Trong thời điểm giao mùa, bệnh tiêu chảy xảy ra nhiều. Do vậy, cần ăn uống đảm bảo vệ sinh để phòng tiêu chảy.

theo thanhnienonline

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Ăn óc coi chừng tai biến mạch máu não


Vì quan niệm ăn gì bổ nấy nên một số người thường ăn óc để chữa đau đầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu bị đau đầu do tăng huyết áp mà lại ăn óc sẽ rất nguy hiểm.

Tại các quán ăn sáng cho trẻ em, món óc trần được nhiều bà mẹ mua cho con ăn vì dễ ăn và "ăn óc bổ óc", để trẻ thông minh hơn. Còn trong gia đình, món óc hấp cách thuỷ hay hầm với một số vị thuốc Bắc... được một số người lựa chọn để chữa bệnh đau đầu...

Tuy nhiên, quan niệm ăn gì bổ nấy thực ra không có bằng chứng về mặt khoa học, vì các thức ăn sau qua tiêu hoá đều được biến đổi thành những thành phần dinh dưỡng nhỏ nhất để hấp thu, rồi được cơ thể sử dụng theo nhu cầu. Không phải cứ bị bệnh tim thì nên ăn nhiều tim, bị bệnh gan thì ăn nhiều gan, muốn thông minh thì ăn nhiều óc...

Để trẻ thông minh, ngoài yếu tố di truyền, phương pháp dạy dỗ, trẻ cần được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như: Đạm, đường, chất béo, các vitamin và khoáng chất ở tỷ lệ cân đối hợp lý bằng cách ăn đa dạng các loại thực phẩm. Đặc biệt, trẻ em cần nhiều chất đạm để phát triển trí não, trong khi đó, óc lợn có hàm lượng chất đạm thấp (9g/100g thực phẩm), chỉ bằng một nửa gan hoặc thịt, cá, còn hàm lượng chất béo là 9,5g, cao hơn trong tim (3,2g).

Nếu ăn óc lợn hàng ngày có thể dẫn tới thừa chất béo, gây béo phì. Trong óc lại không có vitamin A, loại vitamin rất tốt đối với sự phát triển của trẻ em và chống lão hoá ở người cao tuổi. Hàm lượng chất sắt, một yếu tố quan trọng để tạo máu, trong óc cũng rất thấp (chỉ là 1,6g/100g thực phẩm), trong khi 100g gan lợn có tới 12g sắt.

Theo Ths Lê Thị Hải, giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, óc lợn có hàm lượng cholesterol rất cao (2.500mg/100g). Đây là điều hết sức nguy hiểm vì cholesterol là chất dễ gây xơ vữa động mạch ở người lớn.

Mỗi ngày, mỗi người chỉ nên ăn khoảng 250 - 300mg cholesterol vì vậy chỉ cần ăn 100g óc lợn là lượng cholesterol đã tăng gấp 8 lần nhu cầu hàng ngày. Đối với những người bị đau đầu mà nguyên nhân là do tăng huyết áp, nếu ăn óc hàng ngày thì cực kỳ nguy hiểm vì sẽ làm gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.

Như vậy có thể thấy óc không phải là thức ăn bổ dưỡng như nhiều người lầm tưởng, nếu ăn quá nhiều thì còn có hại. Đặc biệt với người cao tuổi thì nên hạn chế, còn người có cholesterol cao thì càng không nên ăn.

theo KH&DS

Cần lưu ý khi uống nước dừa


Nước dừa là thức uống giải khát quen thuộc. Nhưng có một số người gặp hiện tượng bải hoải, rũ người sau khi uống nước dừa. Do vậy, cần phải biết uống nước dừa đúng cách.

Nước dừa là một thức uống giải khát ngon miệng, hợp vệ sinh và bổ dưỡng. Trong nước dừa có chứa: protein 0,3%, chất béo 0,2%, đường 4,7% (chủ yếu là glucose, fructose), các chất khoáng: Ca, Na, K. L, P, Fe..., các vitamin C, PP.

Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, quả dừa (da tử) có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng khử phong, ích khí, tiêu phù thủng, trừ hắc loạn (tiêu chảy, tâm phiền, giải nhiệt độc. Nước dừa vô trùng còn được sử dụng làm dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, trị tiêu chảy.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng nước dừa (ngày uống hơn 3 - 4 trái và uống liên tục nhiều ngày). Theo kinh nghiệm dân gian, uống nước dừa không đúng cách sẽ bị một số phản ứng như:

- Đi ngoài trời nắng nóng, đến khi về nhà, vì khát nước nên uống quá nhiều nước dừa sẽ bị "trúng" với các triệu chứng: ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt hoặc sốt cao.

- Trước cuộc thi đấu thể dục thể thao, nếu uống nước dừa quá nhiều, sẽ làm cho tay chân rũ nước, giảm sức dẻo dai và phản xạ nhanh lẹ cần thiết.

- Những người có thể tạng thuộc âm như: da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, mát, tay chân lạnh, ăn uống chậm tiêu, ăn ít, ít khát nước, thích uống ấm, dễ bị tiêu chảy, phân mềm, người nặng, bải hoải, chậm chạp..., thì không nên dùng nước dừa.

Tại sao lại có những trường hợp nêu trên? Theo y học cổ truyền, dừa (cũng như nhiều loại trái cây chứa nhiều nước như: dưa hấu, bí đao...) có nhiều thấp khí (thấp khí là một trong sáu loại khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả). Thấp khí thường gây trở ngại cho hoạt động của trạng tỳ = tỳ hỷ táo nhi ố thấp, vị hỷ hương nhi ố nhiệt (tạng tỳ chủ về tiêu hoá và chủ cơ nhục (hoạt động của bắp thịt).

Do đó, khi uống nước dừa trong các trường hợp trên, sẽ đưa thấp khí vào trong cơ thể quá nhiều, gây ra các rối loạn chức năng hoạt động bình thường của cơ thể. Khi uống nước dừa để giải khát, nên thêm ít muối để điều hoà. Món nước dừa trộn với nước ép rau má cũng là một thức uống giải khát, thanh nhiệt, tiêu độc, nhuận gan rất tốt. Tuy nhiên, những người có tạng âm như đã nêu, cần lưu ý để tránh những điều bất lợi khi sử dụng.

theo SGTT

Những thực phẩm bảo vệ tuyến tiền liệt


Rau củ giàu chất chống ô-xy hóa và lycopene luôn là sự lựa chọn tốt cho tuyến tiền liệt - Ảnh: Reuters
Một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng và ít chất béo có thể giúp ngăn chặn ung thư phát triển ở tuyến tiền liệt. Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở nam giới. Chính vì thế, các hiệp hội ung thư Mỹ và Canada đều khuyên nam giới trên 40 tuổi nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt nếu được điều trị trong giai đoạn đầu có khả năng chữa khỏi cao. Các nhà nghiên cứu sức khỏe nhận thấy chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tuyến tiền liệt và có thể giúp ngừa ung thư. Sau đây là 10 thực phẩm các chuyên gia khuyên dùng.

1. Rau họ cải như bông cải xanh, cải bắp và súp lơ có chứa isothiocyanate, chất có thể bảo vệ tuyến tiền liệt.

2. Cá và dầu thực vật giàu a-xít béo omega-3 giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

3. Vitamin E có thể giúp giảm viêm sưng ở tuyến tiền liệt và chống ung thư.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin E là bơ thực vật, dầu thực vật, các loại hạt như đậu phộng, hạt dẻ...

4. Gạo, ngũ cốc cung cấp chất xơ, selen, vitamin E có thể giúp ngừa ung thư.

5. Tăng cường bổ sung lycopene. Một cuộc nghiên cứu trên 48.000 nam giới cho thấy lycopene có trong cà chua, quả bưởi đỏ và dưa hấu có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.

6. Selen là một khoáng chất có thể bảo vệ tuyến tiền liệt. Chất chống ô-xy hóa này có trong các loại hạt, hải sản, một số loại thịt, cá, yến mạch và gạo.

7. Các chế phẩm từ đậu nành có thể giúp ngừa tuyến tiền liệt phình to và có thể làm chậm sự tăng trưởng của khối u. Nguyên do là nhờ chất isoflavone trong đậu nành giúp giảm hàm lượng dihydrotestosterone, một loại hormone kích thích sự tăng trưởng của mô tiền liệt.

8. Giảm ăn thịt đỏ vì giàu chất béo thực vật bão hòa, làm tăng nguy cơ gây rắc rối cho tuyến tiền liệt. Thừa cân quá mức có thể làm tăng nguy cơ gây hại cho tuyến tiền liệt và giảm ăn thịt có thể giúp giảm cân.

9. Uống nhiều nước. Những ai có tuyến tiền liệt bị phình to nên uống nhiều nước và những loại thức uống không chứa chất cồn khác như nước trái cây để làm sạch bàng quang. Cà phê và bia nên hạn chế uống đến mức tối thiểu.

10. Tránh những thực phẩm cay nóng cũng như chất cồn, caffeine và một số loại chất khác gây kích thích đường tiết niệu.

theo thanhnienonline

Sầu đâu mang lại tin vui


Lá, trái, nhánh sầu đâu - Ảnh: L.K.PHỤNG
Tất cả những gì có trên thân cây sầu đâu đều là nguồn dược liệu quý.

Cây sầu đâu còn được gọi là cây xoan, tên khoa học là Azadirachta indica A.Juss, hoặc Melia azedarach Linn, thuộc họ xoan Meliaceae. Cây được phân bố nhiều ở Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka, Indonesia, VN. Tại VN cây mọc hoang nhiều nhất ở An Giang, Kiên Giang, Ninh Thuận và rải rác ở đồng bằng sông Cửu Long. Riêng TP.HCM tôi thấy cây mọc nhiều ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Cây có lá rất xanh, mọc đối xứng, mép lá có răng cưa và đặc biệt là hai đáy của phiến lá không đều. Lá có vị rất đắng nhưng có hậu ngọt, tính mát. Xuất xứ từ Ấn Độ với tên gọi “neem”, sầu đâu là loài cây thân mộc có tuổi thọ khoảng 200 năm. Tất cả những gì có trên thân cây này đều là nguồn dược liệu quý, cũng như lợi ích của cây về lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Lá, hoa, nhựa, vỏ cây... có thể khử trừ khoảng 200 loại côn trùng có hại trong sản xuất nông nghiệp... Và hơn hết là chức năng thanh lọc không khí, làm tăng độ ẩm ổn định môi trường.

Mới đây nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu hóa sinh ứng dụng TP.HCM, do GS.TS Trần Kim Quy chủ trì, vừa công bố việc điều chế thành công ba nhóm thuốc bảo vệ thực vật mới được trích ly từ hạt và lá cây sầu đâu với tên gọi limonoid. Chất này có khả năng diệt mọt trong ngũ cốc và ức chế 100% sự nảy mầm của hạch nấm gây hại hoa màu. Đây là công trình điều chế thuốc trừ sâu có nguồn gốc thực vật, không gây ô nhiễm môi trường và không gây hại cho con người.

Trị nhiều bệnh

Riêng về lĩnh vực y học, tác dụng kỳ diệu của lá sầu đâu đã được người Ấn Độ ứng dụng từ xa xưa để làm thuốc hạ đường huyết, chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chữa sốt rét. Ngoài ra nó còn có tác dụng chống oxy hóa tế bào và kháng các tác nhân gây đột biến gen hoặc ung thư...

Đối với bệnh đái tháo đường, mỗi ngày có thể dùng 5-10 lá, tươi hoặc phơi trong mát cho hơi héo rồi đun sôi lấy nước uống mỗi ngày, nước thuốc có vị rất đắng nhưng hậu ngọt, cũng không khó uống.

Các nước Ấn Độ, Mỹ, Hà Lan, Nhật... đã điều chế sản xuất từ lá sầu đâu thành các dạng thuốc uống như thuốc viên, chữa loét bao tử, bệnh đường ruột, sán lãi, dạng trà thuốc, dạng kem và các mỹ phẩm thoa da chữa ghẻ, mụn nhọt, lang ben, hắc lào, xà bông tắm sát khuẩn ngoài da, hoặc cao dán trị các vết thương làm độc, ung mủ, các vết loét của phong hủi. Nước sắc của cây còn dùng để chữa viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng, chữa viêm cơ, viêm khớp. Dùng ngoài đắp lên các ápxe, bướu ác tính, trĩ hoặc các vết thương do rắn, rết cắn.

Ngành công nghiệp dược của nhiều nước đã trích ly hoạt chất của cành, lá sầu đâu và chế thành thuốc viên trị bệnh đái tháo đường do thiếu insulin, làm thuốc lọc máu, trị bệnh cao huyết áp và rối loạn nhịp tim, làm giảm mỡ và cholesterol trong máu.

Cây sầu đâu đang được trồng và khai thác đại trà tại các nông trường neem tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Trung tâm Nghiên cứu nông dược TP.HCM (sản xuất với quy mô 50 tấn/năm).

Theo DS LÊ KIM PHỤNG / Tuổi Trẻ
(ĐH Y Dược TP.HCM)

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2009

Chữa chứng loét miệng


Ảnh: shutterstock
Bệnh thường gây khó chịu cho việc ăn uống, thỉnh thoảng hay tái đi, tái lại. Từ lâu y học cổ truyền quan niệm: miệng lở, loét thuộc về chứng nhiệt, thường do nhiều yếu tố và nguyên nhân như:

-Do uống nhiều rượu, bia; ăn đồ cay nóng, béo ngọt tích lại trong cơ thể lâu ngày gây ra nhiệt trong cơ thể.

- Ăn uống thiếu thốn, ăn uống không kiêng cử, làm cho hư hỏa cơ thể nghịch lên gây ra loét miệng.

Biểu hiện như: Các vết loét sưng đỏ hoặc vết loét trắng như hạt gạo, có khi chảy máu vết loét, miệng hôi, khô miệng, táo bón,...

Bài thuốc 1:

- Cỏ nhọ nồi (cỏ mực) 12g.
- Lá mã đề 15g.
- Lá tre 10g.

Đổ 500ml nước nấu còn 150ml nước, uống trong ngày. Mỗi ngày 1 thang, uống từ 8 - 10 thang.

Bài thuốc 2:

- Sanh địa 16g.
- Hoài sơn 16g.
- Cỏ nhọ nồi (cỏ mực)12g.
- Cam thảo 5g.
- Lá mã đề 12g.
- Bạch linh 12g.

Đổ 1 lít nước nấu còn 250ml nước uống trong ngày, uống từ 8 - 10 thang.

BS Văn Công Viên

thanhnienonline


Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Chọn hoa quả mà ăn


Tráng miệng bằng hoa quả sau bữa ăn, đã trở thành thói quen của rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, ăn khi nào là đúng lúc và nên ăn loại hoa quả nào kết hợp với thức ăn gì thì không phải ai cũng biết.

Ăn đúng lúc

Tuy tráng miệng bằng hoa quả sau bữa ăn đã trở thành thói quen, nhưng gần đây rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thói quen này chưa hẳn đã có lợi. Nguyên nhân là sau khi ăn, thức ăn vẫn còn lưu lại dạ dày khoảng từ 1-2h. Nếu ăn thêm hoa quả sẽ càng làm tăng thời gian lưu trệ này, vì trong hoa quả có chứa một loại đường đơn là monosaccharit và các loại axit, khi chúng kết hợp với axit trong dạ dày sẽ tạo ra axits tactaric, axit citric làm dạ dày đầy hơi, gây cảm giác chướng bụng rất khó chịu.

Ngoài ra, trong một số loại hoa quả còn có hàm lượng tamin và pectin cao nên khi kết hợp với dịch vị, chất xơ và protein trong thức ăn dễ vón thành những hạt rắn rất khó tiêu hoá. Lâu ngày, những hạt này hình thành sỏi ở dạ dày và ruột. Chính vì vậy nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng nên ăn hoa quả sau bữa ăn chính khoảng 1-2h.

Ăn nhiều hoa quả thì tốt nhất là loại ít đường, nhưng nên để chúng biến thành những bữa ăn phụ xen giữa ba bữa chính là tốt hơn cả. Khi đó cơ thể sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng hiệu quả nhất, bên cạnh đó bạn còn phải biết món ăn nào nên kết hợp với loại hoa quả nào nữa.

Kết hợp món ăn và loại hoa quả

Các món nướng chiên: Nên chọn lê làm món tráng miệng vì trong các món chiên, nướng thường có nhiều dầu mỡ và nướng trực tiếp trên ngọn lửa nhiệt độ cao. Ai cũng biết cách chế biến này dễ sinh ra các chất độc hại, đặc biệt là benzen - chất có khả năng gây nên một số bệnh ung thư. Trong khi đó, quả lê có chứa nhiều chất kháng ung thư. Một quả lê hay một cốc nước ép sẽ góp phần làm trung hoà các độc tố. Lê cũng giúp quá trình tiêu hoá dễ dàng hơn và ngăn ngừa các bệnh về dạ dày như đau, viêm...

Mì ăn liền: Tuy ít chất dinh dưỡng nhưng chế biến đơn giản và tiện dụng nên mì gói hay mì ăn liền cũng là một trong những món thường được sử dụng nhất. Sau khi ăn mì nên ăn một vài quả cam hoặc quýt để cung cấp vitamin và các khoáng chất cần thiết khác.

Đồ ăn có tính nóng: Những loại thức ăn có tính nóng như ớt, tiêu, mì gói... mà lại ít rau xanh thường dẫn đến táo bón. Vì thế để hạn chế tình trạng này, trước tiên cần ăn nhiều rau xanh hơn, ngoài ra có thể tráng miệng với quả hồng, đu đủ hoặc thơm. Những loai quả này cso tác dụng thanh nhiệt và giàu men tiêu hoá giúp giảm bớt tính nóng của thực phẩm.

Các món lẩu: Đa số mọi người khi ăn lẩu thường để sôi nước rồi mới nhúng thịt, cá vào ăn ngay khi còn tái, vì như vậy sẽ giữ được vị ngọt của thịt. Tuy nhiên vì chưa chín kĩ nên rất khó tiêu. Do đó sau khi ăn khoảng nửa giờ bạn có thể ăn thêm một hũ sữa chua, các men chua có trong sữa sẽ kích thích quá trình tiêu hoá, ngăn ngừa tình trạng đầy bụng khó tiêu.

theo mythuat

Món ăn phòng chống cận thị


Nguyên nhân dẫn tới cận thị thường là do dùng đèn thiếu sáng, tư thế ngồi không đúng, đọc sách liên tục trong thời gian dài, thể chất yếu, gien di truyền, dinh dưỡng kém... Một nghiên cứu mới đây nhất cho thấy cận thị có liên quan với tình trạng thiếu sắt, kẽm, crom.

Dưới đây là một số phương pháp ẩm thực đơn giản phòng chống cận thị:

1. Caramen mật ong

Cách chế biến:

Đập 1 quả trứng gà, đánh tan, cho vào cốc sữa đã làm nóng, đun nhỏ lửa đến khi trứng chín. Để nguội, sau đó cho mật ong vào.

Cách ăn:

Ăn sau bữa sáng hoặc làm thực đơn cho bữa sáng. Ăn cùng bánh mỳ, bánh bao.

2. Nước nhãn mật ong

Nguyên liệu:

Cẩu khởi 10g, trần bì 3g, cùi nhãn 10 cái, mật ong 1 thìa.

Cách chế biến:

Cho cẩu khởi và trần bì vào trong túi lọc riêng rẽ rồi thả vào nồi nước (lượng nước tùy ý) nấu cùng với cùi nhãn. Nấu sôi khoảng 30 phút rồi lọc bỏ cùi nhãn, chắt nước ra cốc, thêm mật ong vào uống.

Cách ăn:

Uống vào tầm 3 giờ chiều.

3. Nước táo đỏ mật ong

Nguyên liệu:

Cẩu khởi 10g, trần bì 3g, táo đỏ 8 quả, mật ong 2 thìa.

Cách chế biến:

Cho cẩu khởi, trần bì và táo đỏ vào trong nồi, thêm nước vào, nấu ở lửa vừa trong vòng 20 phút, lọc lấy nước đầu, sau đó lại cho nước lạnh vào nấu thêm, lọc lấy nước thứ 2.

Cách ăn:

Nước đầu và nước 2 trộn lẫn sau đó chia ra uống 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 - 4 tiếng, khi uống cho thêm 1 thìa mật ong.

Lưu ý: Những món ăn này cần được dùng "trường kỳ" thì mới có hiệu quả trong việc phòng ngừa cận thị hoặc không làm cho mắt cận tăng "độ".

theo dantri

Những thực phẩm không nên dùng khi đói


Có một số thực phẩm mà bạn nên tránh dùng khi bụng đang đói, chúng sẽ làm hỏng hệ tiêu hóa của bạn, ảnh huởng đến sức khỏe.

Chuối

Trong chuối chứa nhiều magiê, vitamin C nếu ăn khi đói sẽ tạo cảm giác cồn cào, khó chịu. Ngoài ra, lượng magiê vào cơ thể lúc đói sẽ phá vỡ cân bằng lượng magiê và sắt, ảnh hưởng không tốt đến thị lực.

Sữa chua

Men lactic có trong sữa chua sẽ dễ bị phân hủy và tác dụng của nó sẽ mất đi rất nhiều khi bạn ăn khi đói bụng. Độ PH thích hợp để men lactic sinh trưởng và phát triển tốt là từ 4-5 trở lên còn dịch vị trong dạ dày lúc đói có độ PH từ 2 trở xuống. Sau khi ăn dịch vị trong dạ dày loãng ra và độ PH lên đến 4-5. Tốt nhất là chỉ nên ăn trong vòng 2 giờ sau khi ăn.

Đồ uống lạnh

Khi nước lạnh vào cơ thể, nó sẽ kích thích các cơ ruột không ngừng hoạt động, rút ngắn thời gian thức ăn ngưng đọng ở ruột, chờ tiêu hoá. Khi đói các đồ uống lạnh có thể làm thành dạ dày co lại. Các dung môi tiêu hoá thức ăn có trong dạ dày cũng sẽ bị "tê liệt", không còn khả năng hoạt động. Chính vì vậy khi đói bụng không nên uống nước lạnh, đặc biệt là những người bị viêm dạ dày mãn tính, nên ít uống hoặc không uống nước lạnh. Phụ nữ trong những ngày kinh nguyệt không nên uống nước lạnh.

Đường

Các đồ ăn có chứa nhiều đường sẽ không tốt cho cơ thể khi đói vì chúng sẽ phá vỡ sự cân bằng của các vitamin và khoáng chất có trong cơ thể. Đặc biệt, khi đói, cơ thể không đủ năng lượng để chuyến hoá đường. Lâu ngày có thể dẫn tới tình trạng lượng đường trong máu tăng cao.

Khi đói bụng uống trà sẽ làm loãng dịch vị, giảm chức năng tiêu hoá, dễ gây viêm dạ dày. Do lúc đói hiệu suất hấp thu cao, nên một lượng lớn thành phần không có lợi trong lá chè được hấp thu vào trong máu, gây nên hiện tượng "say chè".

Tỏi

Trong tỏi có chứa và các nguyên tố vi lượng, chất kháng khuẩn alliin làm tăng cường khả năng của hệ thống miễn dịch, làm giảm huyết áp cao, phòng chống ung thư dạ dày và ung thư da, giảm viêm khớp... Là một thực phẩm có nhiều chức năng, vừa làm gia vị, vừa làm nhiều vị thuốc thế nhưng ăn tỏi lúc đói sẽ có hiệu quả ngược, nó sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày và thành ruột, không tốt bộ phận tiêu hóa.

Quả hồng và cà chua

Thành phần quả hồng và cà chua có chứa nhiều axit, ăn lúc đói sẽ tạo ra phản ứng giữa axit và các men tiêu hoá có sẵn trong dạ dày, ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.

Khoai tây

Khoai tây chứa nhiều axit no đơn và chất nhựa dính. Ăn khi đói sẽ gây cảm giác nóng ruột, rất khó chịu.

Sữa và đậu tương

Các chế phẩm từ sữa và đậu tương rất giàu protein, nếu ăn vào lúc đói, lượng protein này sẽ bị chuyển hoá thành nhiệt lượng tiêu hao. Khi đó, không những không giảm được cảm giác đói và còn làm lãng phí các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.

Rượu

Uống rượu khi đói, đặc biệt là rượu mạnh sẽ dễ bị trung độc cồn cấp tính, gây nôn, đau dạ dày, thậm chí bị choáng. Tuyệt đối không nên uống rượu khi đói và nhất định, trước và sau khi uống rượu đều phải chắc chắn có gì đó trong dạ dày ngoài rượu.

theo monngon