Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

Hoa vạn thọ chữa bệnh


Hoa cúc vạn thọ - Ảnh: K.Vy
Vạn thọ hay còn gọi cúc vạn thọ là loài hoa có nhiều ở nước ta. Lá cúc vạn thọ giúp làm mát gan, phổi, giải nhiệt, chữa đau mắt, ho gà, viêm khí quản, viêm miệng, viêm hầu, đau răng, dùng đắp ngoài để trị viêm tuyến mang tai, viêm vú, viêm da có mủ. Liều dùng thông thường từ 10 - 15g cho dạng thuốc sắc.

Lương y Vũ Quốc Trung (TP.HCM) cho biết:

- Bị ho gà thì dùng 15g hoa cúc vạn thọ, 10g đường phèn, đem cả hai nấu lấy 150 ml nước chia làm 3 lần dùng trong ngày. Uống liền 3 - 5 ngày như vậy.

- Bị đau răng có thể dùng 5 bông hoa cúc vạn thọ và 5 chiếc lá nhãn, cùng 15 hạt muối ăn giã nhỏ, chia làm 3 phần đều nhau để dùng, mỗi lần đặt một phần như thế vào nơi răng bị đau.

- Đau mắt đỏ thì dùng 10 lá của hoa cúc vạn thọ, và 10 lá dâu non. Rửa sạch cả hai rồi cho vào ca đựng nước, cho nước sôi vào để xông hơi lên phía mắt bị đau (không để quá gần dễ làm bỏng mắt, hoặc sức nóng làm giãn mạch và các mao mạch căng vỡ). Ngày làm một lần, làm trong 2 - 3 ngày như vậy.

- Nổi mụn nhọt (chưa vỡ), dùng 10g lá cúc vạn thọ, 15g lá táo ta, 10 hạt muối ăn giã nhỏ, đắp vào nơi đau. Ngày thay một lần.

- Để chữa hen thì dùng hoa cúc vạn thọ, rau cần, nhân trần, củ tần sét, thài lài tía, rễ bạc đồng nữ, tinh tre mơ (mỗi loại 10g) đem thái nhỏ phơi khô sắc uống ngày 1 thang như thế.

- Bị kiết lỵ thì lấy 15g hoa cúc vạn thọ đem giã nát vắt lấy nước trộn với ít đường để uống...

theo thanhnienonline

Thuốc hay từ cây quất


Cây quất - Ảnh: Minh Ngọc
Cây quất không chỉ là loài cây dùng làm cảnh trong dịp Tết. Từ lâu, trong Đông y, cây quất còn được sử dụng như vị thuốc.

Lương y Huyên Thảo (Hà Nội) cho biết từ rễ, lá đến quả của cây quất đều có thể sử dụng chữa bệnh. Quả quất có vị chua ngọt, do có tính ấm nên nó có tác dụng chữa ho do phong hàn, các bệnh đường tiêu hóa (đau dạ dày, nôn mửa, chán ăn, đầy tức vùng thượng vị,..) đau bụng, sa dạ con sau khi sinh... Rễ quất có vị chua cay, tính ấm, có thể dùng chữa các chứng nôn do dạ dày, tiểu tiện nhỏ giọt... Dưới đây là một số bài thuốc đơn giản được làm từ quả quất và rễ quất:

Bài thuốc từ quả quất

- 500g quả quất thái lát, phơi khô, cho cùng 250g chè xanh vào lọ, đậy kín, để trong 1 tháng. Lấy 25g nước cốt hòa với nước ấm dùng trong ngày, chia thành 2 - 3 lần uống. Bài thuốc có tác dụng chữa đau họng, miệng khô, răng đau, lưỡi tê, bên cạnh đó còn dùng để giải rượu.

- Ngâm rượu với quả quất, tỷ lệ 100g quả ngâm với 500ml rượu trắng. Chú ý, dùng loại rượu tốt, trên 40 độ. Ngâm nhiều quả thì tăng lượng rượu theo tỷ lệ. Sau khoảng 2 tuần, rượu ngâm có thể dùng được. Hằng ngày, uống 15 - 20ml rượu trước bữa ăn. Rượu ngâm có tác dụng giúp ngon miệng, ngoài ra còn chữa chứng trướng bụng và khó tiêu.

- Dùng 500g quả quất đã thái lát, trộn đều cùng 500g đường kính trắng. Ngâm trong lọ đậy nắp kín trong 2 tuần. Hòa 25g nước cốt với nước ấm, dùng mỗi ngày, có thể chia nhiều lần uống. Dùng liên tục trong vài ngày có tác dụng chữa đau dạ dày, thượng vị đầy tức, ợ hơi, chán ăn.

- Để chữa đại tiện khó khăn, ngực bụng trướng đầy, có thể dùng bài thuốc đơn giản như sau: 50g quả quất sắc nước uống trong ngày.

Bài thuốc từ rễ quất

- 30g rễ quất với 15g đường phèn, sắc nước uống. Dùng thay nước uống trong ngày chữa tiểu tiện nhỏ giọt.

- 60g rễ quất, 15g chỉ xác (có thể thay bằng vỏ chanh hoặc vỏ quít), 30g hạt thìa là, sắc với nước. Uống ngày 3 lần, khi uống cho thêm chút rượu, có tác dụng chữa âm nang (bìu đái) sưng đau.

- 90g rễ quất, 30g hoàng tinh sống, 60g rễ cây thìa là, 1 cái dạ dày lợn, hầm với nửa nước nửa rượu. Chia thành 2 phần dùng ăn trong ngày chữa sa tử cung ở phụ nữ.

- 120g rễ quất, nấu với rượu, uống chữa đau bụng dưới sau đẻ.

theo thanhnien

Bệnh gút, nên ăn gì ?


Thực phẩm nên dùng (ảnh 1, 2); và thực phẩm cần hạn chế (hoặc tránh) (ảnh 3, 4)
Bệnh gút là bệnh viêm khớp cấp tính gặp chủ yếu ở nam giới, tỷ lệ ở tuổi thanh niên và trung niên chiếm nhiều hơn cả.

Nguyên nhân

Bệnh gút trước đây người ta gọi là bệnh của vua, quan, ngày nay có thể gọi là bệnh của nhà giàu bởi vì bệnh liên quan đến chế độ ăn nhiều chất đạm (protid). Bệnh gút thường gây đau và viêm tấy ở khớp xương, đặc biệt là khớp ngón cái, khớp gối và đau nhiều nhất vào ban đêm. Lý do đau khớp là vì khi acid uric vượt quá 8 mg/dl trong máu mà khả năng bài xuất theo nước tiểu lại giảm đi thì tinh thể urat lắng đọng lại trong khớp xương.

Nguyên nhân của bệnh gút là do rối loạn chuyển hóa chất purin làm tăng lượng acid uric trong máu. Ở người bình thường lượng acid uric sản xuất ra và lượng thải trừ chúng luôn luôn cân bằng. Khi các loại thực phẩm có chứa nhân purin đưa vào cơ thể được phân hủy thành acid uric. Acid uric là loại trung tính mà cơ thể con người không cần thiết cho nên sẽ bị thận lọc ra khỏi dòng máu, bài tiết ra ngoài cơ thể theo đường niệu. Khi lượng purin quá nhiều thì lượng acid uric được tạo ra cũng được tăng theo, cho nên cơ thể không thể đào thải ra hết được.


Biểu hiện của gút - Ảnh: Khánh Vy

Những thực phẩm nên dùng và nên tránh

Thực phẩm có nhiều chất purin (trừ các loại rau xanh nhiều prurin lại không làm gia tăng bệnh gút) là phủ tạng động vật như óc, thận, gan, tim, thịt đỏ như thịt chó, thịt bò, trâu... và hải sản như tôm, mực. Người ta cũng ghi nhận ăn thịt chứa nhiều mỡ, sữa có nhiều chất béo, bia, thực phẩm sấy khô (cá khô, mực khô, thịt hun khói) và các chất ngọt nhân tạo có nguy cơ cao gây mắc bệnh gút. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, khi một người đã mắc bệnh gút rồi thì rất khó chữa trị khỏi hẳn mà nên xác định là “sống chung với bệnh gút”. Ngoài việc điều trị giảm sưng, đau khớp khi lên cơn cấp tính thì những thuốc giúp cơ thể đào thải acid uric cũng được sử dụng với liều lượng như thầy thuốc chỉ định.

Nên ăn thực phẩm gì và nên kiêng thực phẩm gì đối với người bị bệnh gút? Nói chung đối với người bị gút nên sử dụng thức ăn ít chứa nhân purin như ngũ cốc (gạo, ngô, bánh mì), các loại hạt, bơ, dầu, mỡ, đường, trứng, sữa, phomat tươi, rau, quả. Hạn chế sử dụng thịt, cá, hải sản, gia cầm, đậu đỗ. Nên kiêng ăn óc, gan tim, thận, nấm. Tuyệt đối không uống rượu, bia, cà phê, chè nhưng cần uống nước lọc đủ lượng hằng ngày.

Khi đang lên cơn đau thì tạm thời chỉ ăn cơm, bánh mì, bột ngũ cốc, trái cây, rau các loại và không nên ăn nước mắm. Khi hết cơn đau có thể ăn một số thức ăn có hàm lượng purin vừa như các loại họ đậu, rau dền, ít thịt gà, cá. Đối với người béo, thừa cân mà bị bệnh gút thì nên có kế hoạch giảm cân từ từ, nếu giảm nhanh quá hoặc nhịn ăn chẳng hạn thì nồng độ acid uric có thể tăng lên do sự phân hóa chính các tế bào của cơ thể dẫn đến cơn đau do gút.

PGS.TS Bùi Khắc Hậu(theo thanhnien)