Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009

Ăn óc coi chừng tai biến mạch máu não


Vì quan niệm ăn gì bổ nấy nên một số người thường ăn óc để chữa đau đầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu bị đau đầu do tăng huyết áp mà lại ăn óc sẽ rất nguy hiểm.

Tại các quán ăn sáng cho trẻ em, món óc trần được nhiều bà mẹ mua cho con ăn vì dễ ăn và "ăn óc bổ óc", để trẻ thông minh hơn. Còn trong gia đình, món óc hấp cách thuỷ hay hầm với một số vị thuốc Bắc... được một số người lựa chọn để chữa bệnh đau đầu...

Tuy nhiên, quan niệm ăn gì bổ nấy thực ra không có bằng chứng về mặt khoa học, vì các thức ăn sau qua tiêu hoá đều được biến đổi thành những thành phần dinh dưỡng nhỏ nhất để hấp thu, rồi được cơ thể sử dụng theo nhu cầu. Không phải cứ bị bệnh tim thì nên ăn nhiều tim, bị bệnh gan thì ăn nhiều gan, muốn thông minh thì ăn nhiều óc...

Để trẻ thông minh, ngoài yếu tố di truyền, phương pháp dạy dỗ, trẻ cần được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như: Đạm, đường, chất béo, các vitamin và khoáng chất ở tỷ lệ cân đối hợp lý bằng cách ăn đa dạng các loại thực phẩm. Đặc biệt, trẻ em cần nhiều chất đạm để phát triển trí não, trong khi đó, óc lợn có hàm lượng chất đạm thấp (9g/100g thực phẩm), chỉ bằng một nửa gan hoặc thịt, cá, còn hàm lượng chất béo là 9,5g, cao hơn trong tim (3,2g).

Nếu ăn óc lợn hàng ngày có thể dẫn tới thừa chất béo, gây béo phì. Trong óc lại không có vitamin A, loại vitamin rất tốt đối với sự phát triển của trẻ em và chống lão hoá ở người cao tuổi. Hàm lượng chất sắt, một yếu tố quan trọng để tạo máu, trong óc cũng rất thấp (chỉ là 1,6g/100g thực phẩm), trong khi 100g gan lợn có tới 12g sắt.

Theo Ths Lê Thị Hải, giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, óc lợn có hàm lượng cholesterol rất cao (2.500mg/100g). Đây là điều hết sức nguy hiểm vì cholesterol là chất dễ gây xơ vữa động mạch ở người lớn.

Mỗi ngày, mỗi người chỉ nên ăn khoảng 250 - 300mg cholesterol vì vậy chỉ cần ăn 100g óc lợn là lượng cholesterol đã tăng gấp 8 lần nhu cầu hàng ngày. Đối với những người bị đau đầu mà nguyên nhân là do tăng huyết áp, nếu ăn óc hàng ngày thì cực kỳ nguy hiểm vì sẽ làm gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.

Như vậy có thể thấy óc không phải là thức ăn bổ dưỡng như nhiều người lầm tưởng, nếu ăn quá nhiều thì còn có hại. Đặc biệt với người cao tuổi thì nên hạn chế, còn người có cholesterol cao thì càng không nên ăn.

theo KH&DS

Cần lưu ý khi uống nước dừa


Nước dừa là thức uống giải khát quen thuộc. Nhưng có một số người gặp hiện tượng bải hoải, rũ người sau khi uống nước dừa. Do vậy, cần phải biết uống nước dừa đúng cách.

Nước dừa là một thức uống giải khát ngon miệng, hợp vệ sinh và bổ dưỡng. Trong nước dừa có chứa: protein 0,3%, chất béo 0,2%, đường 4,7% (chủ yếu là glucose, fructose), các chất khoáng: Ca, Na, K. L, P, Fe..., các vitamin C, PP.

Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, quả dừa (da tử) có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng khử phong, ích khí, tiêu phù thủng, trừ hắc loạn (tiêu chảy, tâm phiền, giải nhiệt độc. Nước dừa vô trùng còn được sử dụng làm dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, trị tiêu chảy.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng nước dừa (ngày uống hơn 3 - 4 trái và uống liên tục nhiều ngày). Theo kinh nghiệm dân gian, uống nước dừa không đúng cách sẽ bị một số phản ứng như:

- Đi ngoài trời nắng nóng, đến khi về nhà, vì khát nước nên uống quá nhiều nước dừa sẽ bị "trúng" với các triệu chứng: ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt hoặc sốt cao.

- Trước cuộc thi đấu thể dục thể thao, nếu uống nước dừa quá nhiều, sẽ làm cho tay chân rũ nước, giảm sức dẻo dai và phản xạ nhanh lẹ cần thiết.

- Những người có thể tạng thuộc âm như: da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, mát, tay chân lạnh, ăn uống chậm tiêu, ăn ít, ít khát nước, thích uống ấm, dễ bị tiêu chảy, phân mềm, người nặng, bải hoải, chậm chạp..., thì không nên dùng nước dừa.

Tại sao lại có những trường hợp nêu trên? Theo y học cổ truyền, dừa (cũng như nhiều loại trái cây chứa nhiều nước như: dưa hấu, bí đao...) có nhiều thấp khí (thấp khí là một trong sáu loại khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả). Thấp khí thường gây trở ngại cho hoạt động của trạng tỳ = tỳ hỷ táo nhi ố thấp, vị hỷ hương nhi ố nhiệt (tạng tỳ chủ về tiêu hoá và chủ cơ nhục (hoạt động của bắp thịt).

Do đó, khi uống nước dừa trong các trường hợp trên, sẽ đưa thấp khí vào trong cơ thể quá nhiều, gây ra các rối loạn chức năng hoạt động bình thường của cơ thể. Khi uống nước dừa để giải khát, nên thêm ít muối để điều hoà. Món nước dừa trộn với nước ép rau má cũng là một thức uống giải khát, thanh nhiệt, tiêu độc, nhuận gan rất tốt. Tuy nhiên, những người có tạng âm như đã nêu, cần lưu ý để tránh những điều bất lợi khi sử dụng.

theo SGTT

Những thực phẩm bảo vệ tuyến tiền liệt


Rau củ giàu chất chống ô-xy hóa và lycopene luôn là sự lựa chọn tốt cho tuyến tiền liệt - Ảnh: Reuters
Một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng và ít chất béo có thể giúp ngăn chặn ung thư phát triển ở tuyến tiền liệt. Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở nam giới. Chính vì thế, các hiệp hội ung thư Mỹ và Canada đều khuyên nam giới trên 40 tuổi nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt nếu được điều trị trong giai đoạn đầu có khả năng chữa khỏi cao. Các nhà nghiên cứu sức khỏe nhận thấy chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tuyến tiền liệt và có thể giúp ngừa ung thư. Sau đây là 10 thực phẩm các chuyên gia khuyên dùng.

1. Rau họ cải như bông cải xanh, cải bắp và súp lơ có chứa isothiocyanate, chất có thể bảo vệ tuyến tiền liệt.

2. Cá và dầu thực vật giàu a-xít béo omega-3 giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

3. Vitamin E có thể giúp giảm viêm sưng ở tuyến tiền liệt và chống ung thư.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin E là bơ thực vật, dầu thực vật, các loại hạt như đậu phộng, hạt dẻ...

4. Gạo, ngũ cốc cung cấp chất xơ, selen, vitamin E có thể giúp ngừa ung thư.

5. Tăng cường bổ sung lycopene. Một cuộc nghiên cứu trên 48.000 nam giới cho thấy lycopene có trong cà chua, quả bưởi đỏ và dưa hấu có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.

6. Selen là một khoáng chất có thể bảo vệ tuyến tiền liệt. Chất chống ô-xy hóa này có trong các loại hạt, hải sản, một số loại thịt, cá, yến mạch và gạo.

7. Các chế phẩm từ đậu nành có thể giúp ngừa tuyến tiền liệt phình to và có thể làm chậm sự tăng trưởng của khối u. Nguyên do là nhờ chất isoflavone trong đậu nành giúp giảm hàm lượng dihydrotestosterone, một loại hormone kích thích sự tăng trưởng của mô tiền liệt.

8. Giảm ăn thịt đỏ vì giàu chất béo thực vật bão hòa, làm tăng nguy cơ gây rắc rối cho tuyến tiền liệt. Thừa cân quá mức có thể làm tăng nguy cơ gây hại cho tuyến tiền liệt và giảm ăn thịt có thể giúp giảm cân.

9. Uống nhiều nước. Những ai có tuyến tiền liệt bị phình to nên uống nhiều nước và những loại thức uống không chứa chất cồn khác như nước trái cây để làm sạch bàng quang. Cà phê và bia nên hạn chế uống đến mức tối thiểu.

10. Tránh những thực phẩm cay nóng cũng như chất cồn, caffeine và một số loại chất khác gây kích thích đường tiết niệu.

theo thanhnienonline

Sầu đâu mang lại tin vui


Lá, trái, nhánh sầu đâu - Ảnh: L.K.PHỤNG
Tất cả những gì có trên thân cây sầu đâu đều là nguồn dược liệu quý.

Cây sầu đâu còn được gọi là cây xoan, tên khoa học là Azadirachta indica A.Juss, hoặc Melia azedarach Linn, thuộc họ xoan Meliaceae. Cây được phân bố nhiều ở Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka, Indonesia, VN. Tại VN cây mọc hoang nhiều nhất ở An Giang, Kiên Giang, Ninh Thuận và rải rác ở đồng bằng sông Cửu Long. Riêng TP.HCM tôi thấy cây mọc nhiều ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Cây có lá rất xanh, mọc đối xứng, mép lá có răng cưa và đặc biệt là hai đáy của phiến lá không đều. Lá có vị rất đắng nhưng có hậu ngọt, tính mát. Xuất xứ từ Ấn Độ với tên gọi “neem”, sầu đâu là loài cây thân mộc có tuổi thọ khoảng 200 năm. Tất cả những gì có trên thân cây này đều là nguồn dược liệu quý, cũng như lợi ích của cây về lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Lá, hoa, nhựa, vỏ cây... có thể khử trừ khoảng 200 loại côn trùng có hại trong sản xuất nông nghiệp... Và hơn hết là chức năng thanh lọc không khí, làm tăng độ ẩm ổn định môi trường.

Mới đây nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu hóa sinh ứng dụng TP.HCM, do GS.TS Trần Kim Quy chủ trì, vừa công bố việc điều chế thành công ba nhóm thuốc bảo vệ thực vật mới được trích ly từ hạt và lá cây sầu đâu với tên gọi limonoid. Chất này có khả năng diệt mọt trong ngũ cốc và ức chế 100% sự nảy mầm của hạch nấm gây hại hoa màu. Đây là công trình điều chế thuốc trừ sâu có nguồn gốc thực vật, không gây ô nhiễm môi trường và không gây hại cho con người.

Trị nhiều bệnh

Riêng về lĩnh vực y học, tác dụng kỳ diệu của lá sầu đâu đã được người Ấn Độ ứng dụng từ xa xưa để làm thuốc hạ đường huyết, chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chữa sốt rét. Ngoài ra nó còn có tác dụng chống oxy hóa tế bào và kháng các tác nhân gây đột biến gen hoặc ung thư...

Đối với bệnh đái tháo đường, mỗi ngày có thể dùng 5-10 lá, tươi hoặc phơi trong mát cho hơi héo rồi đun sôi lấy nước uống mỗi ngày, nước thuốc có vị rất đắng nhưng hậu ngọt, cũng không khó uống.

Các nước Ấn Độ, Mỹ, Hà Lan, Nhật... đã điều chế sản xuất từ lá sầu đâu thành các dạng thuốc uống như thuốc viên, chữa loét bao tử, bệnh đường ruột, sán lãi, dạng trà thuốc, dạng kem và các mỹ phẩm thoa da chữa ghẻ, mụn nhọt, lang ben, hắc lào, xà bông tắm sát khuẩn ngoài da, hoặc cao dán trị các vết thương làm độc, ung mủ, các vết loét của phong hủi. Nước sắc của cây còn dùng để chữa viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng, chữa viêm cơ, viêm khớp. Dùng ngoài đắp lên các ápxe, bướu ác tính, trĩ hoặc các vết thương do rắn, rết cắn.

Ngành công nghiệp dược của nhiều nước đã trích ly hoạt chất của cành, lá sầu đâu và chế thành thuốc viên trị bệnh đái tháo đường do thiếu insulin, làm thuốc lọc máu, trị bệnh cao huyết áp và rối loạn nhịp tim, làm giảm mỡ và cholesterol trong máu.

Cây sầu đâu đang được trồng và khai thác đại trà tại các nông trường neem tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Trung tâm Nghiên cứu nông dược TP.HCM (sản xuất với quy mô 50 tấn/năm).

Theo DS LÊ KIM PHỤNG / Tuổi Trẻ
(ĐH Y Dược TP.HCM)