Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

Làm đẹp da mặt giản đơn

Trong dân gian có nhiều phương pháp làm đẹp da mặt rất giản đơn, rẻ tiền, từ những loại rau quả, cây lá dễ tìm, như một số cách dưới đây.

* Cà chua lượng vừa đủ, nghiền nát, dùng vải màn lọc lấy nước, hòa thêm một chút mật ong rồi xoa lên da mặt mỗi ngày 2 lần. Công dụng làm nhuận và trắng da, phòng chống lão hóa da.

* Nhân hạt đào 280g. Nấu cháo loãng, lọc lấy nước rồi bỏ nhân hạt đào vào ninh nhừ, nghiền nát thành dạng hồ, cho vào lọ kín để dùng dần (bảo quản trong tủ lạnh). Mỗi ngày 2 lần, mỗi lần lấy một ít, hâm nóng rồi rửa mặt. Công dụng: hoạt huyết hóa ứ, làm nhuận và trắng da.

* Lá dâu hái vào mùa đông lượng vừa đủ, rửa sạch, sắc kỹ, lọc lấy nước đựng trong bình kín để dùng dần. Mỗi buổi sáng lấy 30ml nước thuốc hòa với nước ấm rửa mặt. Công dụng: khu phong thanh nhiệt, làm đẹp da mặt.

* Sáp ong và dầu vừng (tỷ lệ 5/1) hòa lẫn với nhau, mỗi ngày thoa lên da mặt 1 lần. Công dụng: làm nhuận và trắng da.

Lá dâu và chuối tiêu - Ảnh: K.Vy

* Chuối tiêu 1/2 quả nghiền nát, hòa thêm một chút sữa tươi rồi xoa lên mặt, mỗi tuần 3 lần. Công dụng: làm da mịn màng và trắng đẹp.

* Trứng gà mới đẻ 3 quả, rượu ngon lượng vừa đủ. Ngâm trứng gà vào trong bình rượu, bịt kín, 28 ngày sau thì dùng được. Mỗi tối trước khi đi ngủ dùng rượu này thoa đều lên da mặt. Công dụng: làm nhuận da, phòng chống các nếp nhăn.

* Nước chanh 50ml, bột mì 3 thìa, hai thứ trộn đều với nhau thành dạng hồ. Rửa sạch mặt rồi thoa hồ này lên thành một màng mỏng, sau 30 phút thì lau sạch. Công dụng: làm da nhu nhuận, trắng đẹp và phòng chống nếp nhăn.

* Móng heo 4 cái, rửa sạch, cho vào nồi ninh kỹ thành dạng keo đặc là được, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi tối trước khi đi ngủ lấy một chút keo này thoa đều lên mặt, sáng hôm sau dùng nước ấm rửa sạch. Công dụng: làm da mềm mịn và chống nếp nhăn. Bảo quả keo thuốc trong tủ lạnh.

* Trứng gà mới đẻ 1 quả, mật ong 1 thìa. Đập trứng lấy lòng trắng, quậy cho sủi bọt, cho mật ong vào hòa đều rồi thoa lên da mặt thành một lớp mỏng, chờ cho khô dùng nước ấm rửa sạch, mỗi tuần làm 2 lần. Công dụng: làm mềm và trắng da, nếu da dầu thì cho thêm 1 thìa nước chanh.

* Hạnh nhân và lòng trắng trứng lượng vừa đủ. Ngâm hạnh nhân vào nước nóng để tróc vỏ, giã thật nát, đem trộn đều với lòng trắng trứng. Mỗi tối trước khi đi ngủ dùng cao thuốc này thoa đều lên da mặt, sáng hôm sau dùng nước ấm rửa sạch. Công dụng: trừ phong, nhuận da, chống nhăn.

* Bầu tươi 1 quả, bột ngó sen, lòng đỏ trứng gà lượng vừa đủ. Bầu bỏ vỏ, thái miếng, nghiền nát, lọc lấy nước rồi hòa đều với bột ngó sen và lòng đỏ trứng gà. Dùng thoa đều lên mặt, sau 20 phút dùng nước ấm rửa sạch, mỗi ngày làm 1 lần. Công dụng: làm mềm, giữ ẩm và đẹp da.

* Lòng đỏ trứng gà 1 quả, sữa chua 3 thìa, mật ong 1 thìa. Ba thứ đem hòa đều rồi xoa lên mặt, sau 10 phút dùng nước ấm rửa sạch. Công dụng làm sạch và đẹp da mặt, đặc biệt tốt với da dầu.

* Lòng đỏ trắng gà 1/2 quả, vitamin E 5 viên (loại 0,4g). Trộn lòng đỏ trứng gà với vitamin E rồi thoa lên da mặt, sau 20 phút dùng nước ấm rửa sạch. Công dụng: làm mềm, sạch và đẹp da mặt, thích hợp với loại da dầu.

theo thanhnienonline

Trị mụn hiệu quả với liệu pháp thiên nhiên


Khi bàn về việc điều trị mụn thì các công thức trị mụn từ thiên nhiên vẫn luôn là một bí quyết được nhiều người yêu thích.

Trên thực tế, trong một số trường hợp việc điều trị bằng dược phẩm không phù hợp có thể dẫn đến sự biến dạng trên làn da và gây ra một số hậu quả không thể lường trước. Hơn nữa, sở dĩ các công thức trị mụn bằng thiên nhiên được nhiều người yêu thích chính vì chúng không hề gây ra bất kỳ một hiện tượng phản ứng phụ nào mà việc điều trị bằng dược phẩm có thể gây ra.

Mụn xuất hiện là do tuyến bã nhờn hoạt động quá mạnh và bị tắc tuyến bã nhờn. Các công thức trị mụn từ thiên nhiên có tác dụng kiểm soát việc tiết nhờn, làm hạn chế nguy cơ nổi mụn cho làn da.

Công thức trị mụn từ thảo dược

Thảo dược luôn là bí quyết giúp bạn có được làn da mịn màng, trắng hồng như ý. Các loại thảo dược như lô hội, thổ phục linh, đàn hương, dầu trà có khả năng kiểm soát sự phát triển của mụn. Bạn còn có thể kết hợp các loại thảo dược với nhau để tăng cường hiệu quả chăm sóc da, kiểm soát mụn trong thời gian dài hơn. Trong số các loại thảo dược được dùng để chống và trị mụn cho làn da thì nghệ là loại thảo dược thông dụng và hữu hiệu nhất. Cách đơn giản nhất là trộn bột nghệ thành hỗn hợp sệt rồi đắp lên mặt để dưỡng da, trị mụn.

Công thức trị mụn từ trái cây tươi

Trái cây tươi cũng có tác dụng trị mụn một cách hiệu quả. Một số loại trái cây như xoài, đu đủ, táo, nho, nho khô có thể được dùng để đắp trực tiếp lên mặt như dạng mặt nạ để dưỡng da và trị mụn. Ngoài ra, bạn cũng có thể điều chế các loại trái cây tươi này thành nước hoa hồng (như nước ép dưa leo, nước ép táo, dấm táo và nước trà), chưng cất với nước khoáng và dùng để chăm sóc da.

Chữa mụn với thiên nhiên

Bạn sẽ ngạc nhiên với sức mạnh của thiên nhiên trong việc điều trị mụn. Công thức hiệu quả nhất trong việc điều trị mụn cần phải có khả năng kháng viêm, làm mịn da và thấm hút lượng dầu thừa trên bề da. Rễ cây konjac và than chì là những loại nguyên liệu thường dùng nhờ khả năng thấm hút lượng dầu thừa tiết ra trên bề mặt da.

Các công thức chăm sóc da khác nhau sẽ đem lại hiệu quả khác nhau đối với từng đặc điểm cơ địa khác nhau của làn da. Vì vậy trước khi bạn thử áp dụng bất kỳ một công thức nào, bạn nên tìm hiểu kỹ và thử dùng trên một khoảng da nhỏ trên cư thể để tìm ra được công thức chăm sóc da phù hợp nhất.

Theo Khamphadep

Những thực phẩm giúp trẻ lâu


Ai cũng muốn mình khỏe mạnh và trẻ lâu. Ngoài chế độ tập luyện thể thao, bạn còn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng bởi đây chính là nguồn năng lượng nuôi cơ thể. Dưới đây là những thực phẩm giúp bạn tăng cường sức sống và làm chậm tiến trình lão hóa.

1. Nho tươi: Trong quả nho có polyphenol có tác dụng chống ôxy hóa, bảo vệ tế bào và các nguyên sinh chất trong cơ thể, chống lại gốc tự do. Vì vậy ăn nho giúp con người trẻ lâu, làm mất các nếp nhăn trên má, đồng thời tăng sức đề kháng. Ngoài ra, trong nho có chứa đường glucô, prôtêin, sắt, vitamin C, B1... có tác dụng làm thần kinh hưng phấn và bổ sung năng lượng cho cơ thể, lợi tiểu, thúc đẩy tiêu hóa tốt hơn.

2. Cam: là một trong những loại trái cây có chứa tinh dầu mang mùi thơm và chứa nhiều vitamin C, rất mát và bổ dưỡng cho cơ thể. Trung bình trong 1 trái cam có chứa khoảng 170mg phytochemicals bao gồm các chất dưỡng da và chống lão hóa. Hãy ăn cam thường xuyên để có tác dụng lâu dài.

Cam là một trong những loại trái cây có chứa tinh dầu mang mùi thơm và chứa nhiều vitamin C

3. Đu đủ: Chứa nhiều carotenoid, vitamin A, B, C, và các khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm. Các chất này rất hữu ích trong việc phòng chống bệnh tim mạch và ung thư, vô hiệu hóa những chất có hại cho làn da, tránh da nhăn sớm, chống lại những độc tố và giữ cho da khỏe mạnh. Ăn đu đủ mỗi ngày giúp bạn có một làn da tươi trẻ.

4. Cà chua: Cà chua có tính khoáng hóa, ít calo, giàu vitamin E, C và chất chống ôxy hóa, có tác dụng thanh lọc hệ tiêu hóa và bảo vệ cơ thể tránh sự lão hóa nhanh của các tế bào. Vì vậy các chuyên gia dinh dưỡng khuyên ăn cà chua thường xuyên. Có thể ăn cà chua sống, cà chua nấu, hoặc nước ép cà chua đều rất tốt.

5. Cà rốt: Là loại củ có giá trị dinh dưỡng cao chứa nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe con người. Đặc biệt, cà rốt rất tốt cho phụ nữ để cải thiện làn da. Trong cà rốt có chứa beta - carotene - một chất chống ôxi hóa sẽ trở thành vitamin A khi vào cơ thể. Vitamin A ngoài việc tốt cho mắt còn giữ cho da khỏe, mịn màng. Mỗi ngày 1 ly nước ép cà rốt là cách để hạn chế tình trạng da bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời, duy trì vẻ đẹp hồng hào của làn da.

6. Trà xanh: Ngoài tác dụng chống ung thư, chống các bệnh về tim mạch... trà xanh còn được ví như một loại “mỹ phẩm”có nguồn gốc từ thiên nhiên rất rẻ và hiệu quả. Trong trà xanh có thành phần chống lão hóa, lượng vitamin C dồi dào giúp loại trừ cảm giác mệt mỏi, kích thích thận sản sinh những hoócmon chống lại stress - kẻ thù của sắc đẹp.

Các loại thực phẩm giúp bạn trẻ lâu

Đồng thời nó giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV và các chất bức xạ tự do trong bầu khí quyển, ngăn ngừa sự hình thành nếp nhăn, loại bỏ nám, tàn nhang. Hãy uống 1-2 tách trà mỗi ngày để đạt được hiệu quả mong muốn.

7. Nấm: Nấm là một thực phẩm chứa nhiều đạm, dễ tiêu và có công dụng ngăn ngừa lão hóa, phòng chống một số bệnh nguy hiểm. Nấm hương được mệnh danh là “vua của các loại rau” có tác dụng giảm cholesterol máu, trợ giúp tiêu hóa. Nấm rơm lại có tác dụng tốt trong trị bệnh. Đây là thức ăn rất tốt cho mọi người.

8. Mật ong: là nguồn thực phẩm quý mang hương vị thuần khiết của hoa cỏ thiên nhiên, cung cấp năng lượng để tăng cường sinh lực. Đặc biệt mật ong còn có tác dụng làm cho da trở nên mịn màng, hồng hào, giúp bạn trông tươi mới hơn.

Theo ANTĐ

Hiểu thêm về bệnh đau nửa đầu

Bệnh đau nửa đầu thường gặp ở phụ nữ dưới 45 tuổi

Bệnh đau nửa đầu rất khó chịu, thường đi kèm với buồn nôn và hay tái phát. Những dấu hiệu báo trước khi cơn đau nửa đầu tấn công như mạch đập nhanh, hoa mắt,… TS-BS Phương Thảo (Khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện ND Gia Định, TP.HCM) sẽ giúp độc giả hiểu rõ thêm về căn bệnh này.

Bệnh thường gặp ở phụ nữ

Đau nửa đầu là một trường hợp đặc biệt thuộc nhóm đau đầu mãn tính, hiện nay trên thế giới cũng như ở nước ta thường gọi là đau đầu Migraine. Về cơ chế bệnh được xếp vào nhóm đau đầu do nguyên nhân mạch máu não. Như có sự co giãn bất thường của hệ thống mạch máu não một bên.

Bệnh đau nửa đầu thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, nhất là nữ giới trong công sở tỷ lệ 2/1. Về cơ chế gây bệnh giữa nam và nữ có sự khác nhau rõ rệt. Đau nửa đầu thường gặp ở phụ nữ dưới 45 tuổi, hiếm gặp ở tuổi già và trẻ em. Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác về tỷ lệ mắc bệnh này trên thế giới.

Tuy nhiên nghiên cứu của các nhà Thần kinh học của Mỹ cho thấy khoảng 15 - 20 phụ nữ tuổi dưới 45 thường có một người mắc bệnh, chiếm tỷ lệ từ 5 - 6,7%. Riêng ở Việt Nam chưa có số liệu chính xác. Mặc dù vậy, qua thực hành lâm sàng thì đây cũng là bệnh thường gặp trong bệnh lý thần kinh ở các nước Châu Á cũng như ở Việt Nam.

Đau nửa đầu biểu hiện trên lâm sàng thường xảy ra từng cơn với tính chất: Cơn đau nửa đầu kéo dài từ 4 - 72 giờ, có thể lần lượt đổi bên (không cố định bên nào), có hiện tượng mạch đập mạnh ở vùng thái dương. Mức độ đau có thể vừa hoặc dữ dội tùy theo từng bệnh nhân và đau tăng lên khi gắng sức và có triệu chứng nôn hoặc buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động.

Đây là trường hợp đau nửa đầu điển hình. Ngoài ra, còn gặp một số cơn đau không giống ai: Đau nửa đầu kèm theo mất ý thức, liệt mặt, liệt nửa người giống như triệu chứng của tai biến mạch máu não, rối loạn thị lực. Đây là bệnh có liên quan đến tiền sử gia đình. Nhưng hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được yếu tố di truyền nào liên quan đến bệnh này.

Phát hiện

Đau nửa đầu là loại bệnh không nguy hiểm đến tính mạng ngoại trừ các thể đặc biệt như biến chứng thần kinh. Mặc dầu vậy, những cơn đau nửa đầu dữ dội kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc cũng như chất lượng cuộc sống.

Việc phát hiện và điều trị kịp thời là cần thiết vì hạn chế được các cơn đau gây khó chịu, lo lắng và hoảng hốt. Một điều cần chú ý khi điều trị đau nửa đầu là cần phải loại trừ các triệu chứng đau thuộc bệnh lý vùng hàm mặt như: Đau nửa mặt, (đau dây thần kinh số 5), sâu răng, và các bệnh lý khác của hàm mặt.

Các bệnh lý vùng tai mũi họng như viêm tai giữa, viêm tai xương chủm, và một số đau đầu có tính chất khu trú rất nguy hiểm như: U não, dị dạng mạch não… Các loại đau này thường kéo dài liên tục và không thành cơn như đau nửa đầu.

Việc điều trị bệnh này chia thành 2 bước chính: Điều trị cắt cơn đau khi đang có cơn đau, thường dùng thuốc Tartrate rgotamine dùng dạng viên uống hoặc dùng dạng tiêm và cần dùng ở giai đoạn sớm mới có tác dụng tốt.

Tuy nhiên không được dùng quá liều vì thuốc có thể dẫn đến hoại tử đầu chi, không được dùng cho phụ nữ đang có thai hoặc đang có kinh nguyệt, cũng như trường hợp nhiễm trùng nặng. Bắt buộc phải hỏi ý kiến bác sĩ thần kinh trước khi dùng. Điều trị nên được chỉ định khi tần suất các cơn đau dày, ít nhất có 3 cơn mỗi tháng. Thời gian điều trị ít nhất là 2 - 3 tháng kể cả khi không có cơn đau để tránh tái phát.

Phòng chống

Những người bị đau nửa đầu nên tránh dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê… tránh thức đêm và những căng thẳng về tinh thần trong cuộc sống. Tập thể dục dưỡng sinh thường xuyên cũng có thể giảm được các triệu chứng. Chế độ ăn uống bình thường không ảnh hưởng đến bệnh này. Vì thế không cần kiêng khem quá với các loại thực phẩm thông thường.

Không nên tự ý điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên khi lên cơn đau dữ dội mà không kịp đi khám, có thể dùng tạm các nhóm thuốc giảm đau thông thường như Alaxan, Miloxicam… để tạm thời làm giảm cơn đau và cần chú ý đến các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Điều trị

Để điều trị chứng đau nửa đầu có thể dùng thuốc ergotamine, sumatriptan và rizatriptan. Ngoài ra có thể dùng các loại thuốc ngăn ngừa để giảm tần số cơn đau nửa đầu. Thuốc giảm đau thường được dùng khi bắt đầu cơn đau gồm: aspirn, acetaminophen.

Đối với phụ nữ, liệu pháp hormene có thể giúp giảm cơn đau nửa đầu có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Khi bị đau, hãy cố nghỉ ngơi trong căn phòng tối và mát hoặc đi tắm dưới vòi hoa sen. Đắp khăn lạnh lên trán cũng có thể giảm nhẹ sự khó chịu.

Theo Thời Trang Trẻ

Thực phẩm giúp chống stress

Trong hoa quả, rau tươi và thịt gia cầm... chứa rất nhiều các khoáng chất rất tốt cho cơ thể

Các nghiên cứu mới đây cho biết, việc hấp thụ bất hợp lý các thành phần dưỡng chất khác nhau sẽ dẫn đến tình trạng mất thăng bằng về lượng đường trong máu, kéo theo bao rắc rối về phương diện tinh thần mang tính di truyền như căng thẳng, cảm giác bồn chồn, dễ kích động, tức giận, đau đầu...

Do đó, để đề phòng tình trạng này, chúng ta cần tuân thủ một số nguyên tắc về dinh dưỡng như sau:

Nên

- Ăn đầy đủ các phức hợp carbohydrate:

Thường có trong lúa mì, gạo, các loại đậu, hoa quả và rau tươi, chúng đồng thời chứa thành phần chất xơ hòa tan giúp ổn định lượng đường và insulin trong máu. Ngoài ra, các hợp chất carbohydrat còn kích thích não sản xuất hormon serotomin mang lại cảm giác phấn chấn sảng khoái cho tinh thần.

Việc ăn các loại hoa quả và rau tươi đa dạng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh về ung thư, tim mạch, củng cố hệ miễn dịch cơ thể, cân bằng trạng thái tinh thần và có lợi cho sự phát triển bộ não. Vì thế, hãy chọn những thực phẩm đa sắc tố như bắp cải, bông cải xanh, mồng tơi, dứa, khoai tây, cà tím, mận, rau diếp, quýt, cà rốt, đào, cam, đu đủ, dưa hấu, bưởi...

- Ăn các loại thực phẩm chứa axít béo omega-3:

Đây là loại axít đóng vai trò quan trọng do cơ thể không thể sản xuất được Omega - 3 có khả năng giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế tối đa các biểu hiện của stress.

Những loại thực phẩm như hạt hướng dương, hạt bí ngô, dầu hạt lanh, cá ngừ, trứng gà, cá thu, cá hồi... đều chứa thành phần axít béo omega-3. Ngoài ra, cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể các loại chất béo có lợi khác như dầu cá, các loại dầu thực vật, các loại đậu...

- Ăn thực phẩm chứa protein chất lượng cao một cách hợp lý

Có nhiều trong thịt gia cầm, cá, các loại các loại thịt lạc, đậu phụ, đậu tương và các sản phẩm được chế biến từ sữa với hàm lượng chất béo thấp.

- Ăn nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng chống stress

Cần lưu ý bốn loại khoáng chất và vitamin có tác dụng chống stress hiệu quả cao nhất, đó là canxi, manhê, vitamin C và các loại vitamin B. Nếu cảm thấy cơ thể mệt mỏi, đầu óc căng thẳng, nên tiêu thụ nhiều loại dưỡng chất này hơn.


Trong cà phê có chất cafein, nếu dùng quá nhiều sẽ làm não bị kích thích quá độ, từ đó gây đau đầu, mệt mỏi và mất ngủ

Không nên

- Uống nhiều rượu, bia, chất cafein:

Việc tiêu thụ quá nhiều chất cồn có trong rượu, bia và các chất cafein có trong chocolate, cà phê, trà dẫn đến não bị kích thích quá độ, từ đó gây đau đầu, mệt mỏi và mất ngủ. Các triệu chứng này đều có mối liên hệ đồng bộ làm gia tăng nguy cơ bị stress về sau.

Do vậy, cần tránh tiêu thụ rượu, bia hoặc cafein như thú tiêu khiển nếu đang bị stress vì điều này sẽ càng làm cho tình trạng trở lên tệ hại hơn.

Bên cạnh đó, khi bị stress, cơ thể thường có cảm giác thèm đồ ngọt và chất béo do cơ thể phải thải ra một lượng lớn hormon cortisol dẫn đến tình trạng hàm lượng đừng dự trữ trong máu bị giảm sút một cách đột ngột. Vì thế, việc tiêu thụ đường và các chất béo sau đó bổ sung cho các khoản thiếu hụt là cần thiết nhưng ăn hoa quả và sữa chua sẽ tốt hơn tiêu thụ đường hoặc chất béo đã qua tinh chế.

- Ăn uống quá độ hoặc quá ít trong ngày:

Nếu thường xuyên ăn uống no hoặc ngược lại, để quá đói sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi trong cơ thể. Nguyên nhân vì khi ăn no, cơ thể phải làm việc nhiều hơn mức bình thường, còn khi ăn đói cơ thể không dung nạp đầy dưỡng chất, đặc biệt là các chất như canxi, manhê, sắt có nhiều trong sữa, đu đủ, các loại hải sản, hoa quả, các loại rau tươi...

Do vậy, hãy chia đều thành các bữa nhỏ từ 5-6 lần/ngày thay vì cứ ăn lấy ăn để trong 2 hoặc 3 lần để giúp ổn định lượng đường trong máu của cơ thể hơn.

Theo Sức khoẻ tiêu dùng

"Stop" với phụ nữ mang thai


Theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng Anh, thì những thực phẩm dưới đây phụ nữ mang thai không nên ăn, vì nó có thể ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và con.

1. Các món gỏi, thịt sống: Nhiều món ăn sống như gỏi tôm, cá, tiết canh, nộm, susi, bò tái... là những món ăn khoái khẩu. Song đối với phụ nữ mang thai, đây được coi là những món ăn tối kỵ, bởi không đảm bảo về mặt vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm, đặc biệt là khuẩn tả.

2. Lạc: Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Canada thuộc bệnh viện Ste Justine (Montreal) cho biết ăn lạc trong thời gian mang thai và cho con bú không tốt cho sức khoẻ của em bé. Kết quả cho thấy ăn lạc trong quá trình mang thai, sẽ làm nguy cơ mắc bệnh dị ứng của đứa trẻ cao gấp 4 lần. Vệc sử dụng loại thực phẩm này khi cho con bú cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh cho đứa trẻ.

3. Rượu bia: Nếu trong suốt thời kỳ mang thai mà bạn uống nhiều rượu bia, thì sẽ có nguy cơ không tốt với bào thai, vì nó gây chứng nhiễm độc cồn bào thai làm cho đứa trẻ chậm phát triển về trí tuệ và cơ thể, gặp các vấn đề về hành vi, có các khiếm khuyết về tim và khuôn mặt.

4. Pho mát mềm và bơ: Đây là loại thực phẩm nên loại bỏ khỏi thực đơn trong giai đoạn 9 tháng 10 ngày vì nó thường nhiễm độc khuẩn Listeria. Nếu dùng thì chỉ nên hạn chế ở những loại bơ có chất lượng đã được kiểm chứng. Đây cũng là những loại thực phẩm chưa qua quá trình triệt khuẩn nên sẽ không có lợi trong giai đoạn thai kỳ.

5. Trứng sống: Trứng sống, trứng trần là nguồn thực phẩm có chứa nhiều khuẩn salmonelca. Giới dinh dưỡng không khuyến cáo phụ nữ mang thai loại bỏ trứng mà phải ăn khi đã chế biến triệt để. Ví dụ nếu luộc thì lòng đỏ phải chín và trở về trạng thái đặc (nên ăn cả lòng trắng). Lòng đỏ trứng có chứa hàm lượng phospholipids cao, loại mỡ tốt giúp não của trẻ phát triển.

Nếu trong suốt thời kỳ mang thai mà bạn uống nhiều rượu bia, thì sẽ có nguy cơ không tốt với bào thai, vì nó gây chứng nhiễm độc cồn bào thai làm cho đứa trẻ chậm phát triển về trí tuệ và cơ thể

6. Đồ hộp và thực phẩm ăn nhanh: Là nhóm thực phẩm có chứa vi khuẩn Listeria monocytogenne, rủi ro thường gặp là tăng hiện tượng đẻ non và sảy thai. Lý do là có chứa nhiều mỡ gây bất lợi cho cơ thể đặc biệt là mỡ tranfat (mỡ chuyển tiếp hay mỡ dùng lại nhiều lần) không có lợi cho thời gian thai kỳ.

7. Caffein: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học của trường Đại học vệ sinh và Y tế nhiệt đới ở London, chất cafein có trong cà phê rất có hại đối với phôi thai, phụ nữ mang thai uống nhiều cà phê sẽ có nhiều cơ hội sảy thai hơn bình thường.

8. Không nên ăn quá nhiều cá: Ăn cá hơn 3 lần mỗi tuần có thể gây nguy hại cho bào thai vì nó làm tăng lượng thuỷ ngân trong máu. Tiến hành nghiên cứu đối với 65 phụ nữ Đài Bắc đang mang thai ở tuần thứ 24 và ăn cá hơn 3 lần một tuần, các nhà khoa học phát hiện có 9,1 microgam thuỷ ngân trong mỗi lít máu của họ và 19 nanogam thuỷ ngân trong mỗi gram cảu bào thai.

Theo các nhà khoa học mức thuỷ ngân này vượt quá tới 89% giới hạn an toàn cho phép (5,8 microgam trong mỗi lít máu). Các chuyên gia cho biết thai phụ có lượng thuỷ ngân trong máu cao đặc biệt nguy hại cho thai nhi, có thể làm tổn thương não bộ, thận và làm chậm sự tăng cân. Các chuyên gia khuyên các phụ nữ nên tránh ăn các loại cá nhiều thuỷ ngân như cá mập, cá kiếm, cá thu...

Theo Người đẹp

Những thực phẩm không nên dùng chung


Với nhiều người, một bữa ăn lớn với đủ loại hương vị rất khoái khẩu. Nhưng một số thức ăn không kèm được với các loại khác, do vậy khi dùng chung sai lầm, người ta có thể không hấp thụ được dưỡng chất trong đó, thậm chí có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Li Hongyan, một chuyên gia dinh dưỡng cao cấp tại Tập đoàn thực phẩm Tongmai (Thượng Hải) giới thiệu một số lưu ý về các món ăn:

Đậu phụ và cải bó xôi

Khi ăn chung, chúng ảnh hưởng đến việc hấp thụ canxi và có thể dẫn tới lắng đọng trong ruột. Cải bó xôi chứa axit oxalic, có thể phản ứng với canxi trong đậu phụ ở ruột và hình thành các kết tủa canxi oxalate không tan.

Sữa và chocolate

Bạn có thể không tin điều này, nhưng sữa và chocolate không hợp nhau. Trong khi sữa giàu protein và canxi, thì chocolate chứa axit oxalic. Khi ăn chung với nhau, chúng cũng tạo thành chất kết tủa canxi oxalate, không tiêu hóa được và có thể gây ỉa chảy.

Sữa và bưởi

Protein trong sữa có thể phản ứng với axit tươi trong bưởi và khiến cho bụng chướng lên. Nếu quá nhiều có thể gây tiêu chảy.

Sữa chua với jăm bông và thịt hun khói

Nhiều người thích ăn bánh sandwich với sữa chua. Tuy nhiên, jăm bông và thịt hun khói trong bánh sandwich khi tương tác với sữa chua có thể gây ung thư. Để tăng thời hạn bảo quản thịt, nhà sản xuất bổ sung nitrate để ngăn ngừa sự phân hủy. Nhưng khi nitrate gặp axit hữu cơ, nó có thể chuyển thành nitrosamine, một chất sinh ung thư.

Men trong cà rốt có thể phá hủy vitamin C trong củ cải trắng

Sữa đậu nành và trứng

Sữa đậu nành chứa các dưỡng chất như protein thực vật, chất béo, carbonhydrat, vitamin và khoáng chất. Uống một mình nó sẽ rất giàu dinh dưỡng. Nhưng nếu ăn chung với sữa, nó thể tạo ra phản ứng khiến cơ thể không hấp thụ được protein. Dĩ nhiên, trứng ăn một mình cũng rất bổ.

Củ cải trắng và cà rốt

Men trong cà rốt có thể phá hủy vitamin C trong củ cải trắng. Để hấp thu dưỡng chất tốt nhất, bạn hãy ăn chúng riêng ra.

Thịt bò và hạt dẻ

Cả hai loại thức ăn này đều tốt cho dạ dày. Tuy nhiên hạt dẻ giàu vitamin C, có thể tương tác với các nguyên tố vi lượng trong thịt bò và làm giảm dưỡng chất của hạt dẻ. Nó cũng không tốt cho tiêu hóa và có thể gây khó tiêu.

Cua và nước chè

Chè chứa nhiều axit tannic như quả hồng, vì thế phản ứng không tốt khi gặp protein trong cua.

Tôm và vitamin C

Nếu bạn ăn tôm và đồng thời ăn nhiều vitamin C trong cùng ngày, bạn có thể gặp nguy hiểm. Tôm chứa hợp chất phản ứng với vitamin C để tạo ra asen độc hại.

Theo VNE

Công dụng chữa bệnh của lá lốt


Cây lá lốt tên khoa học Piper lolot C.DC. thuộc họ hồ tiêu (Piperaceae), là loại cây mềm mọc hoang ở nơi ẩm thấp trong rừng núi, và cũng được trồng ở nhiều nơi lấy lá làm gia vị và làm thuốc, lá hái quanh năm, có thể dùng thân, hoa, hay rễ.

Lá lốt có công dụng ấm trung tiêu, ấm dạ dày. Chữa nôn mửa do bị khí lạnh bụng đầy đau. Chữa nhức đầu, đau răng, mũi luôn luôn chảy nước, đại tiện lỏng ra nước, ra máu. Trong nhân dân, lá lốt thường được dùng chữa các bệnh sau:

Chữa đau nhức xương khớp:

Bài 1: Dùng 5-10g lá lốt phơi khô, hay 15-30g lá tươi, sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Bài 2: Lá lốt và rễ các cây bưởi bung, vòi voi, cỏ xước, tất cả đều dùng tươi thái mỏng, sao vàng, liều lượng bằng nhau (khoảng 15g khô mỗi loại), sắc với 600ml nước, còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.

Bài 3: Lá lốt 20g, thiên niên kiện 12g, gai tầm xoong 16g, tất cả sắc với 400ml, còn 100ml dùng uống trong ngày. Có thể dùng một trong các bài thuốc này, sắc uống liên tục 7-8 ngày sẽ có tác dụng tốt.

Chữa bệnh phụ khoa (các viêm nhiễm ở vùng âm đạo, ngứa, ra khí hư): Lá lốt 50g, nghệ 40g, phèn chua 20g, đổ nước ngập lên mặt thuốc 2 đốt ngón tay, đun sôi, bớt lửa giữ cho sôi lăn tăn 10-15 phút, chắt lấy 1 bát, gạn lấy nước trong dùng rửa âm đạo. Phần còn lại tiếp tục đun sôi dùng để xông hơi vào âm đạo, có thể xông nhiều lần.

Chữa đổ mồ hôi nhiều ở tay chân: Dùng 30g lá lốt tươi cho vào 1 lít nước nấu sôi, cho thêm ít muối, để nguội dần dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối.

Chữa lỵ: Lấy 1 nắm nhỏ lá lốt, sắc với 300ml nước, dùng uống.

Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay: Đồng bào Mường có kinh nghiệm lấy 1 nắm thật to lá lốt, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống làm một lần. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi vài lần rồi vớt bã để riêng. Khi nước âm ấm thì dùng rửa sạch tổ đỉa. Lau khô rồi lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục trong 5-7 ngày là khỏi.

24H.COM.VN

Quả lê chữa bệnh hô hấp


Lê không chỉ là một loại quả ngon mà còn có tác dụng chữa nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp.

Lê có tính hàn, nếu ăn nhiều sẽ hại tỳ vị, do đó không nên dùng cho người có tỳ vị hư hoặc bị viêm ruột.

- Trị ho khan, tiêu đờm:

Bỏ ruột quả lê, cho 5g bột xuyên bối vào rồi hầm chín. Ngày ăn 2 quả.

Hoặc lê 500g gọt vỏ bỏ hạt, vắt lấy nước. Ngó sen 500g bỏ đốt, lọc vỏ, thái vụn vắt lấy nước. Trộn 2 thứ với nhau, uống thay nước, chữa ho khan, họng khô khát. Hay lê 1kg (bỏ hạt), củ cải trắng 1kg, gừng sống 250g, sữa đặc 250g, mật ong 250g.

Cả lê, củ cải, gừng vắt nước riêng từng thứ, cho nước củ cải vào nồi nấu sôi mạnh rồi dịu xuống cho chín nhừ sền sệt như keo thì cho nước gừng, sữa nóng, mật ong khuấy đều, đun tiếp nhỏ lửa cho đến khi sôi thì bắc ra, để nguội cho vào bình.

Thích hợp với chứng phế âm hư nhược, sốt về chiều, ho kéo dài, đờm ít và đặc, táo bón, tiểu tiện vàng và ít, suy nhược.

- Chữa khàn, mất tiếng:

Dùng lê giã lấy nước. Ngậm nước này trong họng, ngày vài lần sẽ khỏi mất tiếng. 2 quả lê ép lấy nước sắc với 20g vỏ quýt khô lâu năm. Uỗng chữa ho khản tiếng, viêm họng mạn.

- Lao phổi, sốt:

Lê 1 quả to, bách hợp 10-15g đều thái nhỏ, đường phèn vừa đủ. Tất cả đun sôi kỹ, ăn cái uống nước. Công thức này đơn giản, người xưa vẫn dùng trong trường hợp lao phổi thuộc âm hư (sốt nhẹ về chiều, má đỏ, ra mồ hôi, ho tức ngực, mạch vi).

Hoặc lê 20 quả, ngó sen 1kg, cà rốt 1kg, mạch môn 100g, sinh địa 100g, rễ cỏ tranh, mật ong 250g, mạch nha 150g, gừng tươi 50g. Luộc kỹ mạch môn, sinh địa, rễ cỏ tranh, lấy nước bỏ bã, lê bỏ vỏ hạt, ngó sen, cà rốt, gừng tươi vắt lấy nước. Tất cả trộn quấy đều cô đặc cho mật ong, mạch nha vào, cô quánh cho vào lọ dùng dần. Ngày sáng tối ngậm lần một thìa.

Trị ho lao, đờm có máu, sốt về chiều, thổ huyết, ho lâu ngày mất tiếng...

- Khó thở:

Lê 2 quả, hoa hồng bạch 3 bông, ngân nhĩ 50g, bối mẫu 5g, đường phèn 100g. Lê thái miếng, hoa hồng rửa sạch, ngân nhĩ ngâm mềm, bối mẫu ngâm giấm. Cho nước nấu lê, ngân nhĩ, bối mẫu đường phèn trong 1/2 giờ. Sau đó cho hoa hồng nấu thêm chút nữa. Chủ trị phế hư, ho khan, khó thở, đoản hơi.

- Ho hen:

Chọn trái lê to, cắt nắp, khoét bỏ hạt nhồi đầy đậu đen (đã ngâm mềm), đường phèn đậy nắp, om nhừ. Ăn tiêu đờm, hết ho hen khó thở.

- Cao lê:

Lấy 1,5kg trái lê bỏ lõi và hạt ninh nhừ, cho mật ong lượng vừa phải, trộn đều, đánh nhuyễn. Cho vào lọ ăn dần. Mỗi lần 2 thìa cà phê hòa vào nước sôi. Có thể dùng khi bị ho đờm lẫn máu, họng khô, khản tiếng.

Theo KH&ĐS

Lợi ích của nước ép cà-rốt


Mỗi ngày uống một ly nước ép cà-rốt sẽ rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ đang cho con bú.

Nước ép cà-rốt là loại nước uống chứa nguồn dinh dưỡng dồi dào tốt cho sức khỏe. Trước đây, rất nhiều người cho rằng những thực phẩm có màu cam vàng như cà-rốt rất giàu vitamin A. Nhưng trong trường hợp này chưa hẳn đúng.

Cà-rốt chứa nhiều beta-carotene

Màu cam vàng đặc trưng của cà-rốt là do beta-carotên, hay còn gọi là tiền vitamin cung cấp các loại vitamin như A, E, B và chất khoáng. Do vậy, màu sắc của cà-rốt phụ thuộc rất nhiều vào lượng carotene, nếu màu càng đậm thì lượng carotene càng nhiều.

Thông thường, những củ cà-rốt càng già màu sẽ sậm hơn. Đây là nguyên lý để giúp chị em phụ nữ chọn được cà-rốt tốt nhất cho gia đình.

Carotene là chất không tan trong nước nhưng tan trong chất béo. Điều này không làm giảm hàm lượng vitamin được chuyển hoá.

Tốt cho sự phát triển của trẻ

Nước ép cà-rốt cung cấp lượng lớn vitamin cho sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, khi kết hợp cà-rốt với sữa sẽ giúp cơ thể gia tăng việc sử dụng carotene để chuyển hoá thành vitamin.

Không chỉ vậy, nước ép cà-rốt còn giúp gia tăng chất lượng sữa cho các bà mẹ nuôi con nhỏ nếu thường xuyên uống chúng trong suốt thời gian cho con bú. Cà-rốt không chỉ ép lấy nước mà bạn cũng có thể nhâm nhi khi đói. Dù cà-rốt là một thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng chúng không cung cấp nhiều năng lượng (200g cà-rốt chỉ chứa 50 calorie). Do đó, chúng không được xem là thực phẩm gây mập.

Ngăn ngừa ung thư

Nước ép cà-rốt làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư vú và da nhờ chứa lượng beta-carotene dồi dào. Khi vào cơ thể con người, beta-carotene sẽ chuyển hoá thành vitamin A. Theo một số cuộc nghiên cứu, vitamin A với đặc tính chống ô-xy hoá giúp loại bỏ các gốc tự do gây ung thư.

Nước ép cà-rốt cũng rất tốt cho xương, răng, tóc, da... đặc biệt là gan vì vitamin A giúp làm giảm mỡ trong gan. Nước ép là loại nước uống giàu dinh dưỡng. Chúng cung cấp nguồn vitamin thiết yếu mà không chứa chất béo bão hòa khi kết hợp với các loại thực phẩm như trứng và bơ.

Thật vậy, cà-rốt là nguồn thực phẩm được dùng rộng rãi trên khắp thế giới. Ở Đức, người ta ước tính cà-rốt chiếm 10% tổng lượng rau quả mà họ sử dụng. Còn trong y khoa, cà-rốt cũng là loại dược liệu được sử dụng từ rất lâu đời.

Theo TTGĐ

Ăn ớt lợi và hại


Quả ớt có chất cay ăn vào cơ thể có khả năng thúc đẩy sự tuần hoàn của máu làm cho sự vận hành khí huyết được tốt, nội tạng được cung cấp chất bổ kịp thời và thoả đáng.

Mỗi 100g ớt hàm lượng vitamin C đạt đến 198mg, lượng vitamin B2, Ca, Fe và khoáng chất phong phú có thể nâng cao tính miễn dịch của cơ thể. Ăn ớt còn tăng thêm hoạt tính của tế bào não làm chậm sự lão hóa và thoái hóa.

Ăn ớt rất tốt cho cơ thể, nhưng không phải ai ăn ớt cũng tốt và nhất là ăn quá nhiều ớt thì rất có hại thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy xin nêu ra ba điểm nhận thức sai lầm của những người thích ăn ớt.

1. Nhiều người cho rằng ớt kích thích sự ngon miệng nên nấu món gì cũng cho ớt. Thực ra ăn ớt quá độ chỉ phá hoại cảm giác của các đầu dây thần kinh, làm tổn thương niêm mạc dạ dày và ruột dẫn đến bệnh viêm mãn tính rồi xuất hiện sự nôn mửa, đau thắt và ỉa chảy.

2. Cái gọi là "ăn ớt để giảm béo" là không có căn cứ khoa học. Có tờ báo còn viết: chất cay trong ớt còn thúc đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và sự bài tiết của thận. Sự bài tiết của thận thông qua mồ hôi đốt cháy mỡ, nên có tác dụng giảm béo. Điều này đến nay khoa học vẫn chưa chứng minh được. Ăn ớt có thể làm cho da hồng hào, làm ấm người tăng nhanh tác dụng của sự trao đổi cục bộ, nhưng hiệu quả này không kéo dài được lâu nên không thể đạt được hiệu quả giảm béo.

3. Ăn ớt có thể chống được bệnh ung thư, điều này cũng chưa có căn cứ khoa học. Có tài liệu còn nói rằng trong ớt có hàm lượng lớn chất chống lại oxy hoá, có thể giết chết tế bào ung thư nhưng cũng chưa đủ căn cứ. Trái lại với những người mắc bệnh ung thư khoang miệng trước khi bệnh biến chứng lại rất thích ăn cay và ăn nóng vì do có cảm giác nhạt mồm.

Những người sau đây không nên ăn ớt:

- Người mắc bệnh tim, bệnh não, bệnh huyết quản, người cao huyết áp, bệnh viêm khí quản mãn tính, người mắc bệnh phổi.

- Người có bệnh viêm loét dạ dày mãn tính, người bị bệnh viêm thực quản.

- Người bị bệnh viêm túi mật, sỏi mật.

- Người mắc bệnh trĩ, đang bị đau mắt đỏ hay viêm giác mạc.

- Sản phụ, người đang mang thai, người có bệnh về thận.

- Người mắc bệnh viêm da và mọi thứ bệnh về da.

- Người đang uống thuốc đông y nếu ăn ớt sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả trị bệnh của thuốc.

- Những người ốm yếu gầy còm.

Vị cay của ớt đúng là ngon và hấp dẫn nhưng phải ăn cay thế nào cho phù hợp để đảm bảo sức khoẻ.

Theo Tri thức trẻ