Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

Mập mới khỏe: Sai lầm từ quan niệm



Ảnh: Shutterstock
(TNTS) Từ lâu, dân gian ta thường truyền miệng và chúc nhau "béo khỏe", đối với các cháu bé thì phải "mũm mĩm", phải căng tròn. Với những người có tuổi làm ăn thành đạt thì "phát tướng" mới coi là dấu hiệu phú quý...

Cho đến nay, y học đã có nhiều bằng chứng cho thấy quá cân và béo phì có liên quan đến rất nhiều bệnh lý, quan trọng nhất là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mạch vành mà hậu quả là đột quỵ não và tim, nặng hơn là ung thư; tuổi thọ của những người béo phì cũng ngắn hơn những người không béo phì.

Trẻ thấp bé, nhẹ cân: Sai lầm từ cách nhìn chuyên môn...

Rất nhiều bà mẹ vì nhìn thấy con mình có tầm vóc thấp hơn hay nhẹ ký hơn, hoặc cả thấp và nhẹ hơn trẻ cùng tuổi, vội vã lo lắng đem đi bác sĩ khám bệnh. Nhiều bác sĩ đem so cháu với bảng "chuẩn" phát triển của trẻ cũng cho là cháu thấp hoặc nhẹ hơn trị số trung bình. Đó là một quan niệm sai lầm và đánh giá sai lầm.

Trẻ em từ lúc mới sinh ra cho đến 2 hay 3 tuổi là giai đoạn đang hoàn thiện và phát triển, không chỉ về mặt thể chất mà quan trọng nhất là mặt chức năng. Hai chỉ số để theo dõi sự lớn và phát triển quan trọng nhất cho trẻ em trong thời gian này là chiều cao và cân nặng. Do vậy mà giới chuyên môn đưa ra biểu đồ phát triển để theo dõi cho trẻ.

Cần phải hiểu rằng, các biểu đồ này không phải là biểu đồ chuẩn, các trị số được tính trung bình dựa trên số đông hàng triệu trẻ; nên nó không thể áp dụng một cách cứng nhắc cho một trẻ nào, mà chỉ là chỉ số để tham khảo. Nếu chiều cao hoặc cân nặng của trẻ thấp quá hoặc cao quá ngưỡng của các trị số tham khảo đó, bác sĩ sẽ khám xét kỹ xem cháu bé có gì không ổn, chứ không có nghĩa là cháu bé bất thường.

Thí dụ, có 4 cháu bé cùng độ tuổi, nặng lần lượt là 3 kg, 4 kg, 6 kg và 7 kg, và biết chắc là các cháu này hoàn toàn khỏe mạnh. Vậy cân nặng trung bình của 4 cháu sẽ là 5 kg. Nếu lấy 5 kg là trung bình, sẽ có hai cháu bị thấp hơn 5 kg hay thấp cân, và hai cháu sẽ nặng hơn 5 kg hay bị thừa cân. Trong khi đó chẳng có cháu nào trong số đó có cân nặng trung bình là 5 kg, và cũng chẳng có cháu nào bất thường cả!

Hằng năm trên thế giới đã có hàng triệu trường hợp bị tai biến phụ tăng cân do sử dụng thuốc với mục đích này. Các thuốc này ngoài tác dụng phụ tăng cân, còn gây ra nhiều rối loạn chuyển hóa khác, có thể tổn hại phủ tạng, thậm chí nguy hại đến cả tính mạng.

Mỗi một trẻ là một thực thể riêng biệt, có một cách phát triển riêng phụ thuộc vào hai yếu tố chính là di truyền và môi trường. Yếu tố di truyền tác động mạnh nhất đối với chiều cao của trẻ là chiều cao của người mẹ, sau đó mới là chiều cao của cha. Yếu tố dinh dưỡng là yếu tố môi trường chính tác động lên sự phát triển của trẻ, nhất là từ khi mới ra đời cho đến tuổi dậy thì.

Quá trình phát triển của một trẻ là một quá trình động, theo thời gian và có tính bù trừ. Có nghĩa là từ lúc sinh ra, một trẻ bình thường thì luôn có xu hướng gia tăng chiều cao và cân nặng một cách tuần tiến cho đến 2 tuổi, sau đó quá trình lớn vẫn tiếp diễn nhưng với tốc độ chậm lại. Trong suốt thời gian đó, tốc độ tăng cân và chiều cao có lúc nhiều, lúc ít, có lúc dừng lại hoặc thậm chí tụt xuống, nhất là khi trẻ bị ốm nặng, nhưng sau đó cũng phải đi lên, bắt kịp chu trình đang lớn của mình.

Cho nên, theo dõi trẻ một quá trình, dù cho trẻ có xuất phát điểm thấp, và tại mỗi thời điểm phát triển đều thấp hơn so với trị số trung bình hay với trẻ khác cùng lứa tuổi, nhưng đường phát triển của cháu vẫn đi lên; khám tổng quát cháu không có dấu hiệu bất thường gì, thì đó là một trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Thăm khám tại một thời điểm, ghi nhận cân nặng của cháu bé thấp không có giá trị xác định gì, cần phải theo dõi thêm. Chỉ trừ khi có những dấu hiệu không bình thường, hoặc đường biểu diễn phát triển không tăng lên trong một thời gian dài, thì cần phải đi bác sĩ khám để xem có vấn đề gì hay không, để can thiệp kịp thời.

... dẫn đến hành động sai: Thuốc tăng cân hậu quả khôn lường

Bất kỳ một can thiệp ngoại lai nào ngoài thức ăn và nước uống hằng ngày vào cơ thể con người đều là không tự nhiên và đều có nguy cơ. Chúng ta chỉ phải sử dụng thuốc, khi thực sự cần thiết và phải coi đó là sự bất đắc dĩ. Thuốc bổ, tưởng là bổ, nhưng nó vẫn là hóa chất, là con dao hai lưỡi. Thuốc bổ tốt và quý nhất là hoa quả tự nhiên, là thức ăn của chúng ta hằng ngày.

Tăng cân không những không gia tăng chức năng của cơ thể mà ngược lại còn là một gánh nặng cho cơ thể phải tiêu tốn năng lượng giải quyết sự thừa thãi quá mức này, ngoài ra còn bị tác dụng phụ và nhiễm độc của thuốc.

Trong danh mục thuốc hiện nay trên toàn thế giới, không có một loại thuốc nào nằm trong danh mục thuốc làm tăng cân (làm mập) và không có loại thuốc nào được chỉ định dùng để điều trị chứng nhẹ cân hay là để làm tăng cân. Cũng không có một quốc gia nào chuẩn y cho sử dụng các thuốc với mục đích này. Thuốc Đông y cũng không ngoại lệ.

Tất cả các loại thuốc có thể làm tăng trọng lượng cơ thể con người có sẵn trên thị trường hiện nay đều không phải là thuốc dùng để điều trị chứng nhẹ cân. Các loại thuốc này được dùng với mục đích khác mà có một tác dụng phụ là làm tăng cân. Đa phần các thuốc này rất nguy hiểm khi sử dụng, chỉ được bác sĩ chuyên khoa kê đơn, và giám sát điều trị rất chặt chẽ. Nhiều người hiểu sai, nhiều bác sĩ thiếu lương tâm, đã lợi dụng tác dụng phụ này để làm thỏa mãn nhu cầu của các bà mẹ muốn con mình tăng cân, đó là vi phạm y đức. Do đó chúng ta không thể vì một quan niệm sai lầm, chỉ vì muốn con mình tăng cân mà trở thành một nạn nhân không cần thiết cho những tai nạn sử dụng thuốc này.

theo thanhnienonline

Những bài thuốc chữa quai bị



Thăng ma - Thục địa - Hoàng cầm - Ảnh: H.Mai
Cùng với một số bệnh nhiễm khác như: tay chân miệng, sởi, thủy đậu, thời điểm này bệnh quai bị cũng đang diễn ra nhiều ở trẻ.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, chữa quai bị cần chú trọng thanh nhiệt giải độc, kèm thêm thuốc nhuyễn kiên tán kết (mềm chất rắn, tán kết tụ), vì trị phong độc úng trệ ở kinh lạc thiếu dương, nên cần thanh can lợi đởm, lấy sơ phong tiêu độc làm chủ yếu.

Mà nhuyễn kiên tán kết chỉ có thể dùng loại thuốc tuyên thông, để trừ bỏ úng trệ, mà không cần phải công phạt nhiều. Khi úng trệ đã trừ được thì phong tán độc lui, tự nhiên sẽ đạt được mục đích điều trị tiêu sưng giảm đau. Nếu ở chỗ đau dùng thuốc đắp cũng có tác dụng nhất định nhưng phải chú ý bảo vệ bì phu, thuốc đắp không nên quá dày hoặc khô nóng, nếu trái lại sẽ làm đau thêm hoặc làm cho bì phu nơi đau tổn thương, gây nên cảm nhiễm thành mủ.

Những bài thuốc chữa có thể tham khảo dưới đây:

Bài 1 gồm: long đởm thảo, hoàng cầm, liên kiều, bản lam căn, bồ công anh, cam thảo, sơn chi tử, hạ khô thảo (mỗi thứ 12g). Sắc uống ngày 1 thang.

Nếu có biểu hiện sợ lạnh, phát nhiệt, nhức đầu, đau mình thì gia thêm: khương hoạt 8g, sài hồ 8g, bạch chỉ 8g; nếu nhiệt nhiều khát nước, phiền táo thì thêm sinh thạch cao 12g, hoàng liên 4g; lợm giọng buồn nôn, thêm hoắc hương, quất diệp, trúc nhự (mỗi thứ đều 8g); thích ngủ, tinh thần lơ mơ, gáy cứng, thêm hoàng liên 4g, thạch xương bồ, cát căn (cùng 8g); nhức đầu, kinh quyết thêm: phòng phong, câu đằng, bạch chỉ (đều 8g); họng sưng đỏ đau, thêm: mã bột, cẩm đăng lung (đều 8g); đi tiêu thêm: qua lâu nhân 12g, thục địa 4g; tiểu tiện vàng thêm: hoạt thạch 12g, xa tiền thảo 8g; tinh hoàn sưng đau, thêm: quất hạch, lệ chi, chỉ xác, diên hồ sách (cùng 12g).

Bài thuốc 2 gồm: liên kiều 15g, thăng ma 12g, hạ khô thảo 30g, sài hồ 35g, hoàng cầm 12g, bồ công anh 30g.

theo thanhnienonline

Tự xoa bóp chữa nhức đầu


Nhức đầu là triệu chứng của nhiều bệnh, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phương pháp dưới đây chỉ giải quyết được chứng nhức đầu do nguyên nhân cơ năng như cảm cúm, suy nhược thần kinh, do căng thẳng thần kinh...

Xoa bóp là một kiểu kích thích vật lý, trực tiếp tác động lên da thịt và các cơ quan cảm thụ của da và cơ gây ra những ảnh hưởng về thần kinh, về thể dịch, về nội tạng từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Các kiểu xoa bóp

Véo: Dùng ngón tay cái, ngón tay trỏ hoặc đốt thứ hai của ngón cái và đốt thứ ba của ngón trỏ kẹp và kéo da lên. Hai tay làm liên tiếp làm cho da được xoa bóp luôn luôn như bị cuốn giữa các ngón tay của thầy thuốc.

Phân: Dùng đầu các ngón tay hoặc mô của ngón tay áp út của hai tay, từ cùng một chỗ rẽ ra hai bên ngón hướng trái ngược nhau.

Hợp: Dùng đầu các ngón tay hoặc mô ngón út của hai tay, từ hai chỗ khác nhau đi ngược chiều và cùng đến một chỗ, tay của người làm như ở thủ thuật phân.

Day: Dùng gốc bàn tay, mô của ngón út, mô của ngón cái hơi dùng sức ấn xuống da của người được xoa bóp và di chuyển theo vòng tay của người thực hiện.

Ấn: Dùng ngón tay cái, gốc của bàn tay, mô của ngón út hoặc mô ngón cái ấn vào một nơi nào hoặc vào huyệt.

Miết: Dùng đầu ngón tay cái miết chặt vào da của người được xoa bóp theo hướng lên hoặc xuống, sang phải hoặc trái.

Bóp: Dùng ngón tay cái và các ngón tay kia bóp thịt hoặc gân ở nơi bị bệnh. Vừa bóp vừa hơi kéo thịt lên, không nên để thịt hoặc gân trượt dưới tay vì làm như vậy gây đau.

Chặt (đấm), nắm tay: các ngón tay hơi nắm vào nhau (chú ý khoảng cách giữa các ngón tay và giữa hai bàn tay có một khoảng rỗng) dùng mô của ngón út đấm vào chỗ bị đau.

Thao tác xoa bóp chữa nhức đầu

- Để người được xoa bóp ngồi thoải mái (trường hợp không ngồi được thì nằm). Người làm đứng hoặc ngồi đối diện với người được xoa bóp.

- Véo, miết hoặc phân hợp vùng trán.

- Nếu dùng thủ thuật véo: Véo dọc trán từ điểm giữa đường kẻ nối đầu trong hai lông mày (huyệt ấn đường) lên chân tóc rồi lần lượt véo sang hai bên từ huyệt ấn đường tỏa ra như nan quạt giấy trên trán.

- Nếu dùng thủ thuật miết: Dùng hai ngón tay cái miết từ huyệt ấn đường tỏa ra hai bên thái dương, làm sát lông mày trước rồi làm dần lên cho hết trán. Nếu dùng thủ thuật phân hợp: dùng hai ngón tay cái phân hợp cả vùng trán một lúc.

- Véo lông mày: Từ huyệt ấn đường véo ra hai bên 3 lần một cách nhẹ nhàng, sau đó véo tại huyệt ấn đường 5 lần.

- Day huyệt thái dương: 5 lần. Miết từ huyệt thái dương (điểm nối của đường kéo dài cuối lông mày và đuôi mắt dịch ra một thốn) vòng qua tai ra sau gáy làm từ 3-5 lần.

- Vỗ đầu: Hai bàn tay úp đối diện nhau (một bàn tay úp vùng trán, một bàn tay úp vùng chẩm sau gáy) vỗ quanh đầu theo hai hướng ngược nhau, vỗ 2-3 vòng.

- Gõ đầu: các ngón tay của hai bàn tay xòe ra, dùng rìa của ngón út bàn tay gõ vào đầu theo hướng từ trước lên trên và ra sau, gõ khắp đầu một lượt.

- Ấn huyệt bách hội: (giao điểm của đường thẳng nối 2 điểm cao nhất của hai tai đi qua đỉnh đầu và đường thẳng đi từ trục mũi qua đỉnh đầu). Dùng ngón tay cái vừa ấn vừa day theo chiều kim đồng hồ 10 cái. Bóp nhẹ nhàng 2 cơ thang ở cổ và chỗ trũng hai bên gáy (huyệt phong trì) từ 3-5 cái.

Kết thúc các thao tác trên, để bệnh nhân nằm nghỉ 30 phút, nếu bệnh nhân mệt nhiều thì không nhất thiết phải làm đầy đủ các thao tác mà chỉ làm vài ba thao tác cũng được.

Sau khi làm người thường thấy thoải mái dễ chịu và đỡ hẳn, nhưng sau đó cơ thể lại thấy đau trở lại cần phải kiên trì, không được nản chí thì mới có kết quả.

Theo SK&ĐS

Những cách dùng cà tím tốt cho sức khỏe


Cà tím là một loại rau thực vật có ích cho sức khỏe, nhưng không phải cách nào chế biến cà tím cũng mang lại hiệu quả cao. Hãy lựa chọn cà tím cho các bữa ăn hàng ngày và sử dụng chúng một cách hợp lý nhất để có sức khỏe tốt.

BS Hà Tiến Phan, Bệnh viện 354 cho biết: Trong thành phần của cà tím có chứa nhiều vitamin P. Cụ thể, trong 1.000g cà tím có chứa 7.200mg vitamin P - loại chất có khả năng làm tăng cường sức kết dính giữa các tế bào trong cơ thể và có tác dụng bảo vệ huyết quản, phòng ngừa xuất huyết. Không những vậy, nó còn có hiệu quả làm giảm bớt lượng cholesterol.

Thành phần dinh dưỡng của cà tím gồm choline, calabashimine, sodium bicarbonate, protein, chất béo, đường, canxi, phốt pho, sắt, vitamin A, B2, B1, C, E, caroten…

Nếu khẩu phần ăn hàng ngày có bổ sung cà tím sẽ giúp phòng ngừa được bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch. Ai cũng biết lượng kali có trong chuối tiêu là cao nhất nhưng người ta đã tìm thấy kali có trong cà tím còn vượt trội hơn gấp hai lần so với trong chuối tiêu.

Kali trong cơ thể con người đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động sinh lý của cơ thể, có tác dụng giữ lại những tế bào thẩm thấu, tham gia vào quá trình tạo năng lượng cho cơ thể, khống chế những cơn hưng phấn bất thường của thần kinh, hạn chế việc tăng huyết áp đột ngột. Sự thiếu hụt kali trong máu của con người sẽ dẫn đến mối nguy hiểm bị rạn nứt mạch máu. Đồng thời, kali còn là nhân tố trợ giúp việc cân bằng axít trong cơ thể, giảm bớt bệnh phù thũng. Vì vậy, cà tím chính là sự lựa chọn thông minh cho những ai muốn có một sức khỏe tốt.

Ưu điểm quan trọng nhất của cà tím là khả năng giúp cơ thể loại được lượng cholesterol thừa. Chính vì thế, các nhà dinh dưỡng học thường khuyên những người muốn tránh các bệnh về tim mạch nên sử dụng cà tím trong khẩu phần ăn. Ngoài ra, các chất sắt, đồng có nhiều trong loại thực phẩm này còn rất có lợi cho máu và sắc mặt.

Khi dùng cà tím để chế biến món ăn, hầu hết mọi người đều nghĩ đến món cà tím xào quen thuộc mà quên mất rằng món này cần nhiều dầu mỡ sẽ gây lượng dư thừa không cần thiết trong cơ thể. Cà tím tẩm bột rán hoặc nướng cũng là món ăn không được các chuyên gia về sức khoẻ ủng hộ. Nên dùng cà tím nấu canh hoặc ép cà tím lấy nước uống, được coi là loại "kháng sinh tự nhiên" giúp cơ thể chống những bệnh viêm nhiễm. Có thể dùng cà tím nấu với các thực phẩm khác như thịt lợn, rau tía tô,mùi tàu, hành lá.

Để chữa bệnh cao huyết áp, có thể lấy vỏ cà tím hong khô và nghiền nhỏ, mỗi ngày uống một thìa cà phê trước khi ăn. Muốn răng và lợi chắc khoẻ nên thực hiện liệu pháp như sau: Một thìa vỏ cà tím sấy khô, nghiền nhỏ, đổ thêm nước và đun sôi lấy nước cốt. Sau đó, pha thêm một thìa nhỏ muối rồi súc miệng.

Theo SK&ĐS