Thứ Ba, 17 tháng 3, 2009

Món ăn chữa suy nhược thần kinh

Nếu bệnh nhân thần kinh suy nhược có những biểu hiện: mệt mỏi, trống ngực, hơi thở ngắn, mất ngủ, hay quên dùng món Trà dương sâm long nhãn. Cho long nhãn 30g, dương sâm 6g, đường trắng vừa đủ vào ấm hay cốc pha trà. Cho nước đủ ngập thuốc. Đặt ấm vào nồi, hấp cách thủy 40-50 phút là được. Hằng ngày ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ khoảng 1 giờ. Dùng liên tục cho đến khi chứng trạng thuyên giảm.

Nếu bệnh nhân thần kinh suy nhược có những biểu hiện: người mệt mỏi, mất ngủ, hay mê, dễ cáu giận, đầu choáng, mắt hoa, trống ngực, hay quên dùng Trà long nhãn táo nhân. Cho long nhãn 10g, táo nhân 10g (đã sao đen), khiếm thực 12g vào nồi, đổ 300ml nước, đun to lửa. sau khi sôi đun nhỏ lửa thêm 20 phút rồi bỏ bã, cho đưòng vào là uống được.

Nếu bệnh nhân thần kinh suy nhược có những biểu hiện kém ăn, tim hồi hộp, phiền toái, mất ngủ dùng Cháo táo nhân. Táo nhân 60g, gạo tẻ 400g. Táo nhân đã sao đen cho vào nồi, đổ nước đun 15-20 phút, chắt lấy nước cốt. Cho gạo vào nấu cháo. Ngày ăn 3 lần, mỗi lần 1 bát con.


Sen trên đầm và Hạt sen - Ảnh: Minh Ngọc

Nếu bệnh nhân thần kinh suy nhược có những biểu hiện: người mệt mỏi, kém ăn, thiếu máu, bồn chồn, hồi hộp, hay quên dùng món Cháo hạt sen long nhãn. Long nhãn 15g, hạt sen 15g, táo tàu 5g, gạo nếp 50g, đường trắng vừa đủ. Ngâm kỹ hạt sen trong nước ấm dùng thanh tre cạo bỏ vỏ lụa lấy tâm ra. Vo sạch gạo cho vào nồi, thêm táo đã bỏ hạt, hạt sen, long nhãn, đường đun to lửa cho sôi rồi giảm lửa nấu đến khi cháo chín. Ăn thay bữa sáng.

Nếu bệnh nhân thần kinh suy nhược có những biểu hiện: người yếu mệt, hay quên, hay chóng mặt dùng món Mộc nhĩ hầm thịt nạc. Mộc nhĩ trắng 15g, thịt lợn nạc 500g, táo tàu 10 quả, đường phèn vừa đủ. Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở to, tách riêng từng cánh rửa sạch. Thịt lợn thái nhỏ. đường phèn đập vụn. Cho vào nồi cùng mộc nhĩ, táo, thịt lợn. Cho nước vừa đủ. Đun to lửa, khi sôi đun nhỏ lửa đến khi mộc nhĩ chín là được. Ăn cách ngày hoặc từng ngày cho đến khi chứng trạng thuyên giảm.

theo thanhnienonline

Ngọc lan chữa bệnh

Ảnh: CTV
Hoa ngọc lan không chỉ mang lại hương thơm mà còn có công dụng chữa bệnh rất hay.

Công dụng của ngọc lan

Ngọc lan là loại hoa có mùi thơm ngất ngây rất đặc biệt, là loài thực vật thuộc họ mộc lan. Hoa ngọc lan có 2 loại quen thuộc thường gặp là ngọc lan trắng và ngọc lan vàng. Mùa xuân (vào độ tháng 2) là lúc ngọc lan nở. Khi nụ hoa chưa nở, thu hoạch, cắt bỏ cành, phơi khô trong bóng râm (phơi âm can) dùng để làm thuốc.

Theo y học cổ truyền, hoa ngọc lan có vị đắng, cay, hơi ấm, có tác dụng chống ho làm long đờm, lợi tiểu, làm phấn chấn, trấn kinh, khu phong, kiện vị, giáng áp, giải độc. Dùng chữa các chứng ho, đầy hơi, buồn nôn, sốt, bí tiểu tiện, cao huyết áp...

Ngoài hoa, lá, rễ, vỏ thân cây ngọc lan đều có tác dụng làm thuốc chữa nhiều bệnh khác nhau. Dưới đây là những ứng dụng phong phú của ngọc lan dùng làm thuốc chữa bệnh.

Một số cách dùng ngọc lan chữa bệnh

* Chữa ho đau yết hầu

Dùng 20g hoa ngọc lan đem tẩm mật ong trong 3 ngày rồi sắc uống như trà, có thể dưỡng phế nhuận yết hầu, điều lý trường vị, chữa trị ho do không khí không tốt, ngực và cách mạc đầy trướng và đau, đầu vựng mắt hoa.

* Chữa vô sinh

Dùng 10g hoa ngọc lan chưa nở sắc uống thay trà, uống vào buổi sớm. Cứ 30 ngày một liệu trình, có thể cải thiện thống kinh và vô sinh nữ.

* Trị ho trừ đờm, lợi tiểu tiện

Hải triết 2 mảnh, dưa hồng 1 quả, cà rốt 1 củ, tỏi 5 củ, hoa ngọc lan 15g. Gia vị gồm giấm trắng 1 thìa to, dầu thơm 1 thìa nhỏ, xì dầu 1 thìa, đường 1 thìa. Hải triết bì dùng nước ngâm nhiều lần rồi rửa sạch, khử mùi tanh. Dưa rửa sạch, bỏ đầu, cuống và tua, thái nhỏ như tơ. Cà rốt cạo vỏ ngoài thái nhỏ. Hoa ngọc lan rửa sạch, bóc cánh rồi thái nhỏ. Cho tất cả các nguyên liệu trên trộn đều với nhau, thêm gia vị sau đó rắc hoa ngọc lan lên trên cho thêm nước vừa đủ rồi sắc như sắc thuốc là được. Bài thuốc này có tác dụng trị ho trừ đờm, lợi tiểu tiện.

* Giúp trắng da, tiêu hóa tốt

Hoa ngọc lan 6g, trà xanh 1 thìa. Bóc tong cánh hoa ngọc lan, rửa sạch hoa bằng nước muối, để ráo nước, cho vào trong chén. Rót nước đang sôi vào chén, sau đó cho trà xanh, đợi có mùi hương bay ra, có thể uống thay trà.

* Chữa sốt, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện khó

Lấy vỏ thân cây ngọc lan, cạo sạch lớp vỏ ngoài, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Lấy 30g vỏ sắc với 400 ml nước cho đến khi còn 100 ml, uống 2 lần trong ngày.

* Chữa sưng tấy

Lấy lá ngọc lan loại non và bánh tẻ rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ sưng tấy.

* Chữa viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi

Lá ngọc lan 30g, lá cây dừa 30g, giun đất đã chế biến 5g, thái nhỏ, phơi khô, sắc uống.

* Chữa ho

Hoa ngọc lan 30g, mật ong 40g, cho 2 thứ vào hấp cách thủy trong 20 – 30 phút để ăn.

* Chữa đau bụng kinh ở phụ nữ

Ngọc lan 20g, ý dĩ nhân 30g, hạt đậu ván trắng 30g, hạt mã đề 5g sắc uống trong ngày.

* Chữa viêm xoang

Lấy hoa ngọc lan lúc còn xanh, sấy khô giòn, tán và rây thành bột mịn, đựng vào lọ kín. Khi bị chảy nước mũi, mở lọ ngửi và hít mạnh để bột thuốc bay vào mũi, ngày làm 2 – 3 lần.

Theo thanhnienonline

Món ăn phòng trị táo bón

Rau chứa nhiều chất xơ - Ảnh: K.Vy
Một trong những nguyên nhân gây táo bón là do chế độ ăn uống hằng ngày mà ra.

Ở góc độ y học cổ truyền, lương y Vũ Quốc Trung cho rằng: táo bón và chức năng chuyển hóa của đại tràng bị mất đi có quan hệ với nhau, và còn có liên quan mật thiết đến sự bài tiết của dạ dày và của thận. Nguyên nhân gây ra bệnh có thể do nóng bên trong và dịch nước bọt không đủ, tâm tính thiếu hài hòa, cảm giác bực tức, mệt mỏi trong người, cơ thể suy nhược, khí huyết không tốt. Thông thường táo bón là do khẩu phần ăn ít rau, ít chất xơ, nhu động ruột kém, ruột hấp thu nước tăng, do viêm đại tràng co thắt, ít vận động và do thói quen.

Táo bón gây ra chán ăn, ợ hơi khó chịu, cơ thể mệt mỏi, đau đầu, dị ứng nổi mẩn ngoài da, phải rặn nhiều gây giãn tĩnh mạch hậu môn gây bệnh trĩ...

Ăn uống phòng bệnh

Rau củ rỗng ruột giúp tăng nhu động ruột - Ảnh: K.Vy

Theo lương y Vũ Quốc Trung, để phòng bệnh táo bón, nên dùng những thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao hằng ngày như: hoa quả tươi, khi ăn nên ăn cả vỏ, như vậy có thể gia tăng lượng chất xơ hấp thụ, làm cho phân không bị rắn, có tác dụng tốt với ruột, giảm nguy cơ gây ra táo bón; uống nhiều nước, đặc biệt khi dùng thực phẩm có nhiều chất xơ, mỗi ngày phải uống ít nhất 8 cốc nước. Nhất là vào buổi sáng sớm, nên uống một cốc nước muối nhạt, giúp sạch ruột, thông trơn, phân không bị rắn; sử dụng phù hợp các loại rau củ rỗng ruột và loại thực phẩm có chứa pectin có tác dụng làm mềm. Rau củ rỗng ruột như: củ cải, hành tây, đậu nành, dưa chuột. Các khí thể trong ruột sẽ làm tăng nhu động ruột, rất tốt cho tiêu hóa. Còn thực phẩm có chứa pectin như táo, chuối, cà rốt, củ cải đường, bắp cải, cam quýt, giúp cho phân mềm, giảm nhẹ bệnh táo bón.

Các món ăn chữa táo bón

Ảnh: shutterstock

* Dùng lá hoặc rễ hẹ vừa đủ đem giã lấy khoảng 1 cốc nước, thêm chút nước ấm và rượu để uống. Cũng có thể dùng hạt hẹ sao qua, tán bột, mỗi lần dùng 3g, ngày 3 lần, giúp nhuận trường thông tiện, trị bệnh táo bón ở người già do chức năng co bóp của đường ruột suy giảm

* Lấy 5 hạt hạch đào nhân ăn trước khi ngủ, uống thêm 1 ly nước ấm, sau khi đi cầu được rồi thì có thể ăn tiếp mỗi lần 3 - 5 hạt, ăn liên tục trong vòng 1 - 2 tháng, giúp bổ thận nhuận trường, trị táo bón người già do thận khí hư.

* Dùng lê trắng 750g, câu kỷ tử 15g, đường phèn 250g. Lê bỏ vỏ, hạt thái từng miếng. Câu kỷ tử rửa sạch chưng qua, vớt ra để riêng, phần nước này thêm đường phèn ngào đến sền sệt, cho lê vào ngào tiếp. Khi lê tẩm hết nước đường, rải câu kỷ tử vào đảo đều là được. Chia ăn 2 lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang. Món này trị táo bón do ruột nóng.

* Dùng mật ong 60g, muối 6g. Quấy tan mật ong và muối trong ly nước nóng uống. Mỗi ngày 1 lần, giúp nhuận trường thông tiện, trị các chứng táo bón.

* Dùng hành lá (cả rễ) 150g, a giao 20g, mật ong 100g. Hành rửa sạch cắt khúc, thêm 400 ml nước, sắc còn 200 ml lọc bỏ xác, cho a giao và mật ong nấu cho tan đều, chia uống 2 lần trong ngày, có công dụng trị táo bón ở người lớn tuổi.

* Dùng cải chân vịt 200g, huyết heo 150g, muối vừa đủ. Nấu cải và huyết, cho thêm muối gia vị, ăn ngày 1 lần sẽ giúp nhuận trường, trị táo bón.

* Lúc bụng đói nhai ăn 30g đậu phộng tươi. Ngày ăn hai lần vào sáng tối. Kiêng cữ rượu và thức ăn cay.

theo thanhnienonline

Chữa bệnh hiệu quả với trứng gà, mật ong và nghệ



Kết hợp mật ong, nghệ, trứng gà với nhau, chúng ta sẽ có vị thuốc chữa trị được nhiều thứ bệnh rất hiệu nghiệm

Xung quanh ta có nhiều thức ăn trở thành vị thuốc quý. Nhân dân ta thường dùng mật ong, nghệ, trứng gà làm thuốc chữa bệnh. Nhưng kết hợp 3 thứ thành bài thuốc để chữa nhiều bệnh thì còn nhiều người chưa biết. Bạn hãy áp dụng kinh nghiệm sau để chữa trị khi người nhà có bệnh.

Y học Đông phương cho rằng, bệnh là sự mất cân bằng khí huyết, âm dương của cơ thể hoặc của một bộ phận cơ quan tạng phủ nào đó. Nguyên nhân của bệnh do bên ngoài: Tà khí lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) bất thường gây nên.

- Do bên trong, thuộc nội thương tình chí quá hưng phấn hoặc ức chế: Hỷ, nộ, ưu, tư, bi, kinh, khủng (thất tình).

- Do bị đánh, té, ngã, va chạm thương tích.

Do đó trong điều trị đã có các khoa ngoại cảm, nội khoa và ngoại khoa. Các bác sĩ, thầy thuốc thường dùng thuốc hóa dược, thảo dược, thuốc tiêm, thuốc uống và giải phẫu (mổ xẻ thương tích). Ngày nay ngày càng nhiều người dùng thức ăn để chữa bệnh gọi là “thực liệu pháp” hoặc “thực dưỡng liệu pháp” để phòng bệnh.

- Theo Đông y, mật ong có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm, bổ tỳ vị, nhuận táo, trừ ho, giải độc, giảm đau, sát khuẩn, nhuận tràng. Làm thuốc bổ ngũ tạng, tăng cường thể lực toàn thân cho người lớn, trẻ em, người đau đại tràng – dạ dày, đại tiện táo kết, an thần, chữa suy nhược thần kinh, ho khan, viêm họng, giải độc của vị ô đầu. Ngày dùng từ 20 - 50g và có thể tới 100 - 150g. Dùng ngoài chế thành thuốc mỡ hoặc dùng riêng mật ong để băng bó vết thương, đắp lên vết loét, mụn nhọt.

Người ta còn dùng nọc ong để chữa thấp khớp, viêm tim do thấp, sưng cơ khớp, viêm khí quản, nhức đầu, tăng huyết áp giai đoạn 1 và 2. Dùng sáp ong để chữa trĩ ra máu mủ, ung nhọt, chữa bỏng lửa.

- Nghệ có vị đắng cay, tính ấm vào 2 tạng can và tỳ. Có tác dụng phá huyết, thông kinh, hành khí, chỉ thống, chữa phụ nữ kinh bế, đau máu do huyết ứ gây đau bụng, dạ trướng đau, dạ dày đau.

- Trứng gà: Lòng đỏ trứng có nhiều chất mỡ tạo ra phospho và sắt. Trong 30g lòng đỏ có 7g anbumin, 15g mỡ, 67mg canxi, 226mg phốtpho, 3,5g sắt. Giá trị dinh dưỡng lòng đỏ trứng cao hơn lòng trắng, rất cần cho người lao động trí óc và những người suy nhược thần kinh.

Theo Đông y: Trứng gà vị mặn tính lạnh, làm yên 5 tạng, bổ khí huyết, mát cổ họng, an thai, trị ho hen, kiết lỵ, động thai, bổ dưỡng làm sinh đẻ dễ dàng, khi ăn để bổ dưỡng thì luộc hồng đào (lòng đỏ còn sền sệt) mỗi ngày một quả là đủ. Kết hợp 3 thứ thành bài thuốc chữa được nhiều chứng bệnh nói trên. Sau đây xin giới thiệu cách dùng nghệ, trứng gà, mật ong để chữa một số bệnh.

Một số bệnh mạn tính thể hư hàn:

- Bệnh thuộc tâm: Đau tức ngực, thiếu máu, mặt xanh vàng.

- Bệnh thuộc phế: Hen suyễn, viêm phế quản mạn, ho lâu ngày, viêm họng hạt, ho lao, phổi có nước, cảm lạnh.

- Bệnh thuộc can thận: Viêm đa khớp, đau khớp gối, bệnh gút, đau vai cổ gáy, tay chân lạnh thường xuyên, đau lưng, yếu sinh lý.

- Bệnh thuộc tiêu hóa: Biếng ăn, gầy ốm sụt cân, đau dạ dày. Viêm đại tràng mạn. Đau gan vàng da, trĩ.

- Bệnh thần kinh: Suy nhược cơ thể, thần kinh, đau đầu mất ngủ.

- Bệnh phụ khoa: Kinh nguyệt không đều, rong kinh, đau bụng kinh khí hư bạch đới, sa tử cung.

- Các bệnh khác: Mụn, lở loét da, viêm xoang, viêm tai có mủ, viêm họng, viêm mũi dị ứng, rụng tóc, tóc bạc sớm.

Bài thuốc: Nghệ vàng 1 củ bằng ngón chân cái, trứng gà ta mới đẻ, bỏ lòng trắng lấy lòng đỏ, 1 quả; mật ong rừng là tốt nhất.

Cách chế: Rửa sạch nghệ, cạo vỏ, giã nhỏ, cho vào ít nước sôi, lọc lấy nước nghệ, bỏ xác, cho lòng đỏ trứng gà và 2 thìa cà phê mật ong đem chưng cách thủy, khi chín như bánh bông lan, ăn rất ngon.

Nên ăn lúc 8 - 9 giờ tối, ngày ăn 1 lần, ăn liền, nam ăn 7 ngày, nữ ăn 9 ngày là một đợt điều trị. Chưa hết bệnh thì sau 7 ngày lại ăn tiếp, khi thấy bệnh khỏi thì thôi. Nếu ăn 3 đợt mà chưa khỏi bệnh thì nghỉ một tháng lại ăn tiếp như các đợt trước.


(theo Sức khoẻ & Đời sống)


6 bài thuốc dân gian chữa mất ngủ




Bạn đã sử dụng rất nhiều các phương pháp khác nhau để tìm lại giấc ngủ nhưng vẫn không có hiệu quả. Những bài thuốc dân gian vừa đơn giản vừa hiệu quả dưới đây sẽ giúp bạn chống lại căn bệnh này.

1. Táo chua

Dùng 50g hạt táo chua, giã nhỏ. Đun sôi kỹ với 300ml nước trong 15 phút. Dùng nước này uống hàng ngày trước khi đi ngủ giúp bạn có được giấc ngủ ngon và sâu hơn. Tinh dầu có trong hạt táo có tác dụng dưỡng não, an thần.

2. Quả nhãn

Lấy 100g cùi nhãn tươi với 200ml nước, nấu thành canh, để nguội. Dùng hàng ngày, trước khi đi ngủ 30phút.

Canh từ cùi nhãn tươi giúp cho việc lưu thông máu lên não trở nên dễ dàng, tránh suy nhược thần kinh, giúp giảm căng thẳng và đau đầu.

3. Hoa bách hợp (hoa loa kèn)

Hấp chín 200gram hoa bách hợp. Cho thêm 1 lòng đỏ trứng gà và 50 gram đường phèn rồi trộn đều.

Sau đó tiếp tục hấp cách thuỷ trong vòng 10 phút. Nên dùng nóng trước khi đi ngủ 1 tiếng.

Hoa bách hợp có tính hàn, giúp ngủ ngon và điều hoà hoạt động của hệ thần kinh. Dùng thường xuyên có thể tránh được các bệnh như: đau đầu, suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ…

4. Táo đỏ

Dùng 200 gram táo đỏ tươi và 500ml nước, sắc lấy nước. có thể dùng nước này thay nước uống hàng, giúp bổ thận, mát gan, tinh thần thoải mái.

5. Quế

Lấy 10gram quế khô trộn với 100 gram hạt sen tươi và 300ml nước. Nấu kĩ thành canh. Có thể cho thêm một chút đường phèn.

Quế và hạt sen có tác dụng an thần, ngủ ngon, dưỡng sắc. Người già, phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh nên thường xuyên dùng loại canh này.

6. Đậu xanh

Dùng 50gram đậu xanh và 10 gram đường phèn nấu kỹ với 200ml nước. Dùng khi còn nóng. Khi dùng có thể cho thêm chút sữa.

Món canh này thích hợp với mọi người, nhất là những người mất ngủ lâu ngày, hoặc thường xuyên phải làm việc căng thẳng.

Theo :dântrí

Ngày nóng ăn hẹ



Hẹ - một thức ăn nên thuốc - Ảnh: N.C.T
Trong các món thức ăn nên thuốc không thể thiếu cây hẹ, đặc biệt là vào mùa nắng nóng.

Hẹ còn được dân gian gọi với nhiều tên khác như cửu thái, cửu thái tử, khởi dương thảo, bản thảo thập dị ghi: “Rau hẹ là ấm nhất, có ích cho người, nên ăn thường xuyên”. Các nghiên cứu cho thấy trong hẹ có chứa nhiều chất xơ, đạm, đường, vitamin A, vitamin C (gấp ba lần vitamin A), phospho, canxi. Tuy nhiên nhiều nhất trong hẹ là odorin - một chất có tác dụng kháng sinh rất mạnh giúp chống tụ cầu và các vi khuẩn khác. Theo tây y, chất xơ trong hẹ làm giảm đường huyết, giảm mỡ trong máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bảo vệ tuyến tụy.

Theo đông y, hẹ có vị cay, hơi chua, mùi hăng, tính ấm, tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm, được dùng để chữa các chứng đau tức ngực, nấc cụt, nôn mửa, thổ huyết, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu. Hạt hẹ có tác dụng tráng dương, bổ can thận. Hẹ rất dễ trồng, giá rẻ, phù hợp túi tiền của người lao động, vì vậy trong các món ăn thường ngày nên dùng hẹ và chế biến với các loại thực phẩm khác như giá chẳng hạn, vừa rẻ vừa bổ mà chỉ cung cấp ít calo nên hẹ còn là một loại thực phẩm giúp giảm béo rất tốt.

Món ăn dân giã từ hẹ:

Canh hẹ nấu với thịt hoặc với đậu hủ non ăn rất mát có thể chữa được các chứng rôm sảy, mụn nhọt, nóng bứt rứt trong người, cảm cúm, ho hen, sốt, cơ thể nhiễm độc, chảy máu cam do huyết nhiệt.

Cọng hẹ và bông hẹ xào với thịt bò giúp nhuận trường, thanh nhiệt, mát huyết

Các bài thuốc từ hẹ:

Chữa ho: lá hẹ rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, uống ba lần trong ngày, mỗi lần 5ml.

Chữa suyễn cấp: hẹ tươi nấu lấy nước uống.

Chữa tiểu đường: củ hẹ 150g, thịt sò 100g. Nấu chín, nêm gia vị, có thể ăn thường xuyên. Bài thuốc này còn chữa chứng đổ mồ hôi trộm.

Chữa di mộng tinh, xuất tinh sớm, 1/2kg hẹ tươi, giã lấy nước, uống hai lần trong ngày, liên tục trong một tuần.

Chữa gan nhiễm mỡ: 200g hẹ ăn mỗi ngày, kéo dài trong một tháng.

Chữa lỵ amib, nấu canh hẹ ăn mỗi ngày.

Chữa giun kim ở trẻ con: lấy rễ hẹ sắc nước uống.

Ngoài ra nước sắc hẹ còn tốt cho phụ nữ có thai đau bụng hoặc bị choáng váng sau khi sinh.

Theo DS Lê Kim Phụng / Tuổi Trẻ

Mật ong chữa ho


Ảnh: Shutterstock
Ho là triệu chứng thường xảy ra ở trẻ, nguyên nhân có thể là do sự tấn công của vi-rút. Theo các nhà khoa học Pháp, mật ong là vị thuốc hiệu quả chữa ho.

Một số phụ huynh thường cho con uống sirô chữa ho. Một số khác thì cho trẻ uống một cốc nước ấm pha với mật ong, hay cho trẻ uống trực tiếp một thìa mật ong. Các nhà khoa học Pháp đã so sánh hiệu quả 3 cách điều trị ho ở 100 trẻ độ tuổi từ 2 - 18 tuổi, đang bị ho nặng do nhiễm khuẩn đường hô hấp. Một số thì được cho dùng một thìa mật ong, số khác thì dùng một loại thuốc trị ho hay một loại giả dược điều chỉnh giấc ngủ. Ngay ngày hôm sau, những trẻ uống mật ong giảm ho rõ rệt: cả về cường độ lẫn tần suất với một giấc ngủ ngon. Ngược lại, sirô và giả dược cho kết quả không được tốt.

Trên thực tế, nếu trẻ bị ho hãy cho trẻ uống 1 thìa mật ong vào buổi tối. Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn tiếp tục ho sau 1 tuần, cần phải đi khám bác sĩ
Theo thanhnienonline

Củ nghệ chữa bệnh




Nghệ tươi Ảnh: Minh Ngọc
Theo lương y Huyên Thảo (Hà Nội), nghệ có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, thông kinh, giảm đau. Phụ nữ bế kinh, người bị ngã sưng đau, bị mụn nhọt hay lở loét ngoài da, củ nghệ cũng có tác dụng trong chữa trị. Cụ thể:

+ Dùng một củ nghệ nướng chín, nhai nuốt dần; có thể giã nát hòa với rượu hoặc đồng tiện (nước tiểu của trẻ em khỏe mạnh) uống để phòng các chứng bệnh sau khi sinh.

+ Nghệ đốt tồn tính (chú ý: bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn giữ nguyên màu nghệ), tán thành bột mịn. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g. Bài thuốc này dùng chữa phụ nữ sau sinh, máu xấu dồn lên tim.

+ Củ nghệ 10g, cành cây dâu tằm 10g, cốt khí củ 8g, bạch truật 10g, cam thảo 4g, sắc lấy nước uống trong ngày để chữa đau vai gáy và cánh tay.

+ Củ nghệ 40-50g, giã nát, hòa với đồng tiện, vắt lấy nước uống. Bài thuốc này chữa lên cơn suyễn, đờm kéo lên tắc nghẹn khó thở.

+ Củ nghệ tán mịn, mỗi ngày uống 4-6g bằng nước đã đun sôi để chữa thổ huyết, máu cam.

+ Củ nghệ sao qua 30g, đương quy thái lát, sấy khô 30g, ô dược sao qua 15g, mộc hương 15g. Tất cả đem xay thành bột mịn. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 4g. Bài thuốc này chữa trị bệnh mạch vành tim, đau thắt ngực.

Theo: thanhnienonline

Trị cái bụng “lình xình”





Đu đủ tươi giúp tiêu hóa rất tốt - Ảnh: K.Vy


Tạng phủ yếu, đừng ăn nhiều

Chứng ăn uống khó tiêu hóa (tiêu hóa kém), theo quan niệm của y học cổ truyền là "thương thực", hay "tích thực", thường gặp ở những người tạng phủ yếu, những người ăn nhiều mà ngồi nhiều một chỗ, ít vận động; hoặc do thức ăn cũ chưa tiêu hóa hết lại "nạp" thêm món ăn mới vào, khiến cho tỳ vị quá tải, không tiêu hóa nổi thức ăn mà thành chương "tích thực" rồi trở thành "khương thực". Theo lương y Hoài Vũ, ăn uống khó tiêu là do bên trong cơ thể tỳ vị hư yếu, rồi do ăn uống thái quá (ăn nhiều, ăn không đúng cách…) nên cơ thể không tiêu hóa nổi thức ăn.

Biểu hiện của tình trạng tiêu hóa kém, nếu nhẹ thì không muốn ăn (chán ăn), không thấy đói, đau bụng, đầy bụng, miệng có hơi hôi. Nếu bị nặng thì thêm nôn mửa, đau bụng, đi tiêu, có khi phát sốt…


Hạn chế món chiên xào nhiều dầu mỡ khi bụng đang lình xình

Những cây cỏ, món ăn bài thuốc chữa

Theo lương y Hoài Vũ, trong Đông y có nhiều loại cỏ cây, hoa lá, vị thuốc… dùng để chữa chứng tiêu hóa kém như: sơn tra, mạch nha, đu đủ, trần bì, củ cải, củ riềng, ớt, sa nhân, màng mề gà… Cụ thể như: dùng 20g sơn tra (quả táo rừng, còn gọi là táo mèo) sắc (nấu) uống. Sơn tra có vị chua có tác dụng tiêu hóa chất thịt (protein) khi ăn nhiều thịt. Dùng đu đủ, nhất là đu đủ còn xanh nấu thật mềm để ăn, vì nhựa của nó có một loại men giống như men dạ dày và men tuyến tụy, giúp tiêu hóa khi ăn thịt, cá dầu mỡ gây khó tiêu.

Dùng 2 con chim cút, đảng sâm 15g, hoài sơn 30g, gừng, hành, muối, rượu vừa đủ. Chim cút làm sạch hầm với đảng sâm, hoài sơn, rượu. Khi chín thì cho thêm hành, gừng sợi và nêm nếm gia vị. Mỗi ngày dùng một lượng như thế; hoặc dùng một lượng củ cải trắng, giấm, đường cát vừa đủ. Củ cải tươi rửa sạch, cắt khúc, giã nhuyễn, thêm đường và giấm ướp khoảng 30 phút là có thể ăn. Ngày dùng 2 lần (sáng và chiều); dùng 250g củ cà rốt, 100g gạo nếp, 30g đường. Cà rốt gọt bỏ vỏ, cắt khúc ngắn rồi cùng nếp nấu cháo, khi chín thêm đường. Mỗi ngày dùng 1 lượng như thế, chia làm hai lần dùng trong ngày; lấy 5 cái màng mề gà, 600g bột mì, một tí muối. Màng mề gà đem sấy khô tán bột, trộn chung với nước, muối và bột mì làm bánh, nướng chín, dùng nó làm món điểm tâm; hoặc dùng món cháo thần khúc nấu sơn tra - lấy mỗi thứ với lượng bằng nhau là 12g và 120g gạo tẻ. Dùng vải thưa bọc lấy thần khúc, nấu chung với gạo tẻ và sơn tra, sau khi cháo chín, lấy bỏ xác thần khúc. Chia làm 2 lần dùng trong ngày...

Bên cạnh đó, những người tiêu hóa kém cần ăn uống điều độ, chừng mực, hạn chế dùng quá nhiều những món có nhiều dầu mỡ, món ăn lạnh… nhất là những khi bụng dạ đang lúc "lình xình".

Theo:thanhnienonline

Bài thuốc chữa giun kim


Hướng dẫn trẻ rửa tay sạch để phòng nhiễm giun. Ảnh: P. thảo
Giun kim là loại giun nhỏ như cái kim, kích thước bé chừng 1mm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, ít gặp ở người lớn. Khi mắc, bệnh nhi thường ngứa ngáy ở vùng hậu môn và bộ phận sinh dục, nhất là về ban đêm giun thường bò ra hoạt động làm trẻ bứt rứt, khó chịu, mất ngủ, kém ăn, hay dùng tay gãi vào chỗ ngứa gây mất vệ sinh.

Nếu bị nhiễm giun nặng trẻ thường lợm giọng, buồn nôn, đau bụng, người gầy, xanh xao, để lâu dễ bị "lòi dom" (sa trực tràng) hoặc ở trẻ em gái dễ viêm âm đạo.

Xin giới thiệu một số bài thuốc đơn giản để chữa trị bệnh này:

Bài 1: Tân lang (hạt cau già), nam qua tử (hạt bí ngô), lượng bằng nhau, tán thành bột trộn đều, trẻ dưới 6 tuổi uống khoảng 3 - 6g, từ 7 - 12 tuổi uống 8 - 12g vào buổi sáng lúc đói với nước sôi hòa thêm chút đường hoặc mật ong cho dễ uống. Uống liên tục 2 - 3 ngày.

Kết hợp dùng bách bộ 15g, khổ sâm 15g, xà sàng tử 15g. Sắc lấy nước để rửa vùng hậu môn, âm đạo trước khi ngủ, liên tục trong 3 ngày.

Bài 2: Bách bộ 50g, sắc đặc chừng 10-20ml, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ dùng bơm tiêm thụt vào hậu môn, làm liên tục 3-4 tối.

Hoặc dùng bạch đầu ông 30g, sắc uống ngày 1 thang, liên tục trong 3 ngày.

Bài 3: Sử quân tử sao vàng, nghiền thành bột cho trẻ uống, mỗi tuổi dùng 1 hạt, uống một lần trước khi đi ngủ, uống liên tục 3 ngày.

Hoặc sử quân tử 120g, mộc hương 80g, tân lang 160g, hắc sửu 100g, tán bột mịn làm hoàn với mật, trẻ em 3-6 tuổi dùng 3-4g, 7-12 tuổi dùng 6-8g một ngày.

Bài 4: Dùng tỏi 100g giã nát thêm 1 lít nước chín ngâm trong 24 giờ rồi lọc bỏ bã, trước khi đi ngủ dùng dung dịch đó để rửa hậu môn, làm liên tục trong 7 ngày sẽ trị được giun kim và bệnh ngứa hậu môn.

Lương y Khương Sinh

Theo:suckhoedoisong

Sữa chua - bí quyết làm đẹp từ bên trong


Không cần đến mỹ phẩm hay các các loại thuốc “giảm cân”. Có một cách khác giúp phụ nữ giữ gìn, chăm sóc vẻ thanh xuân rạng ngời của mình từ bên trong. Ấy là ăn đều đặn các loại sữa chua làm từ sữa tươi.

Bác sĩ Phạm Thị Kim Anh (Phó khoa Lâm sàng II - Bệnh viện Da liễu TP HCM) cho biết: “Từ sau tuổi 25, dưới các tác động của tuổi tác, ánh nắng, môi trường, chế độ dinh dưỡng…, cơ thể người phụ nữ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lão hóa. Ví dụ như da khô, nám, mất nước nhưng thừa dầu, có mụn, xuất hiện những nếp nhăn. Vóc dáng cũng dễ mất đi vẻ gọn gàng, dẻo dai như trước…”.

Trong điều kiện ấy, sữa chua ăn trở thành thứ “thần dược” kỳ diệu để giúp cơ thể chống lại sự lão hóa một cách tự nhiên nhất. Không phải vô cớ mà trong bài giới thiệu về danh mục 12 loại thực phẩm bổ dưỡng nhất cho cơ thể, tạp chí Self (một tạp chí chuyên về sức khỏe và tập luyện của Mỹ) đã đề cập đến sữa chua. Với hàng loạt các loại vitamin, khoáng chất, các lợi khuẩn giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, hàm lượng protein ở mức vừa phải… sữa chua ăn chứa đựng gần như đầy đủ mọi dưỡng chất cần thiết để ngăn ngừa sự lão hóa, bảo vệ cơ thể từ bên trong.

Bác sĩ - chuyên gia dinh dưỡng Đào Thị Yến Phi cho biết: “Sữa chua ăn làm từ sữa tươi có giá trị dinh dưỡng khá đáng kể: Trong 100g sữa chua chứa khoảng 100Kcal (bằng khoảng 1/2 chén cơm hay 2 trái chuối xanh), có chất đường (15,4g), chất đạm (3,1g), chất béo (3g), canxi và một số loại vitamin”.

Lợi thế lớn nhất của sữa chua so với các loại sữa uống khác là quá trình lên men mang đến một số vi khuẩn như Lactobacillus Acidophilus và Bifido Bacterium, có lợi cho đường ruột, giúp cơ thể khỏe từ bên trong.

Riêng với làn da, sữa chua ăn là một loại “mỹ phẩm” bảo vệ da từ bên trong hiệu quả hàng đầu. Trong sữa chua có axit lactic với tác dụng ngăn ngừa sự xâm nhập và kiềm chế hoạt động của các loại vi khuẩn có hại, tạo nên một màng chắn an toàn bảo vệ cho da. Các vi khuẩn lên men chua có trong thực phẩm này còn có thể tiết ra chất kháng sinh tự nhiên, kích thích quá trình làm lành các thương tổn của da như sẹo, các vết rỗ, tái tạo da mới, giữ gìn cho làn da tươi tắn, hạn chế sự lão hóa theo thời gian.

Ngăn ngừa các bệnh thường gặp ở phụ nữ

Không chỉ đối mặt với vấn đề lão hóa, sau tuổi 25, người phụ nữ còn dễ gặp phải hai nguy cơ khác: loãng xương và mất dần vóc dáng thon gọn trong quá trình sinh nở, nuôi con. Thật thú vị là sữa chua ăn cũng góp phần quan trọng để ngăn ngừa điều ấy, lấy lại cho người phụ nữ nét trẻ trung, tươi tắn và dẻo dai ban đầu.

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia Mỹ, sữa chua ăn giúp bổ sung lượng canxi cho cơ thể thậm chí còn cao hơn sữa tươi. Một hộp sữa chua ăn 250mg có chứa tới 370mg canxi (so với 300mg canxi trong 250ml sữa tươi). Với lượng canxi cao như thế, chỉ cần 2-3 hộp sữa chua ăn mỗi ngày là người phụ nữ đã có thể cung cấp gần như đầy đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể, để chống loãng xương, giúp xương chắc khỏe, cơ thể vững chắc, dẻo dai.

Ngoài ra, lượng canxi trong sữa chua còn giúp phụ nữ giảm cân sau giai đoạn mang thai, sinh nở. Nghiên cứu mới nhất của tiến sĩ Michael Zemel và cộng sự, ĐH Tennessee (Mỹ) cho thấy: Trong sữa chua có nhiều canxi làm chất xúc tác, giúp cơ thể thiêu đốt mỡ rất nhanh. Lượng canxi này giúp chuyển hóa thành năng lượng và đốt cháy hoàn toàn thay vì đọng lại trong cơ thể. Những ai dùng sữa chua đều đặn sẽ giảm được 61% lượng mỡ toàn phần và 81% lượng mỡ bụng so với những người ăn cùng thực đơn nhưng không có sữa chua.

Với những tác dụng rõ ràng cho cơ thể như thế, không có gì lạ khi loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe này đã được Cục Quản lý Dược - Thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, nhất là trong vai trò chống loãng xương, tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, và giúp cho cơ thể khỏe đẹp từ bên trong.

Cũng cần lưu ý là nên bảo quản sữa chua ở 60C để đảm bảo các vi khuẩn có lợi trong sữa chua ăn được giữ trong điều kiện tốt nhất để phát huy sức mạnh của mình.

Theo VnExpress

Chữa chứng ra mồ hôi tay


Lá lốt.
Theo Y học cổ truyền gọi chứng ra mồ hôi chân và tay do phong thấp gây nên là tình trạng thoát dương khí ra ngoài, do đường dẫn khí ra các thần kinh ở tay, ở chân bị rối loạn hoặc tắc nghẽn. Ngoài ra còn do xúc động về tình chí (tâm lý) như: Tình trạng lo lắng, công việc căng thẳng, xúc động mạnh...

Những đường kinh ảnh hưởng đến việc ra mồ hôi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân là đường tâm; tâm bào và tiểu trường (nằm ở bàn tay) và đường kinh thận (nằm ở bàn chân). Có hai dạng, chỉ ra mồ hôi ở tay, chân (chiếm phần lớn); hoặc có trường hợp kèm theo tay bị run (kể cả trẻ nhỏ cũng có thể kèm theo chứng run tay, chứ không phải chỉ ở người lớn). Ngoài ra, những người mắc bệnh ra mồ hôi tay, chân thường hay bị rộp và bong tróc da ở các đầu ngón tay, chân (thường bị nhiều khi gặp thời tiết lạnh).

Bệnh ra mồ hôi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân biểu hiện thường xuyên và nhiều khi gặp khí hậu lạnh, hoặc những lúc làm việc căng thẳng, hay tâm trạng đang lo lắng, xúc động tình cảm..., có người mồ hôi chảy thành giọt. Bệnh biểu hiện nặng là mồ hôi, toát ra liên tục (ra không tự chủ), một số trường hợp kèm theo ra mồ hôi nhiều ở da đầu hoặc toàn thân (Đông y gọi là tự hãn - tự ra mồ hôi).

Cũng cần phân biệt chứng ra mồ hôi ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Thường trẻ ở lứa tuổi này, hệ thống thần kinh thực vật của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, nên trẻ thường ra mồ hôi, kể cả ban đêm, mà dân gian hay gọi là đổ mồ hôi trộm (Đông y gọi là đạo hãn). Khi trẻ lớn, tình trạng này sẽ khỏi.

Một số cách chữa tình trạng này theo y học cổ truyền như sau:

Dùng lá lốt cắt cả cây, cây già một chút thì tốt hơn, cắt sát đất, lấy cả phần rễ trên mặt đất, đem về rửa sạch, cho vào nồi nấu sôi khoảng 15 phút, bắc xuống, để 1 tấm lưới lên trên nồi đã mở nắp rồi xông hơi nóng lần lượt từ tay đến chân. Xông đến khi nước trong nồi nguội bớt thì ngâm chân tay vào nồi nước ấm đó (mỗi lần khoảng 30 phút, mỗi ngày làm 1 lần). Những trường hợp ra mồ hôi tay, chân nhẹ thì dùng cách chữa này rất khả quan. Ngoài ra có thể ngâm bàn tay, bàn chân vào nước ấm pha với muối (một bát nước sôi, ba bát nước lạnh và một thìa canh muối hạt, có thể cho thêm xác trà vào ngâm chung), mỗi ngày ngâm từ 1 - 2 lần, mỗi lần từ 10 - 15 phút; phương cách nữa là xoa lòng bàn tay, lòng bàn chân bằng bột mẫu lệ (có thể trộn thêm một ít bột quế), mỗi ngày từ 2 - 3 lần, mỗi lần mười phút; Hoặc hơ nóng bàn tay, bàn chân bằng cây ngải cứu (cho ngải cứu vào bát, đốt rồi hơ), phương pháp này có công hiệu nhiều vào mùa lạnh.

Một phương pháp cơ bản, dễ thực hiện, nhưng hiệu quả mà mọi người có thể tự làm được, đó là tập dẫn khí ra lòng bàn tay, lòng bàn chân bằng cách: hai tay chắp lại để trước ngực, rồi thở bằng bụng (tựu khí đan điền); 2 bàn tay để phía trước, cách ngực 3 - 4 cm, hai lòng bàn tay đối diện nhau, đầu óc tập trung nghĩ đến các đầu ngón tay, lòng bàn tay, với ý nghĩ hai lòng bàn tay thả lỏng và ấm dần lên. Một lát sau sẽ xuất hiện cảm giác tê rần (khi đó khí đã dẫn đến). Tương tự như trên, thực hiện ở hai lòng bàn chân.

Lưu ý: Khi bị bệnh này bệnh nhân nên tránh các hoàn cảnh kích động, ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc.

Lương y Trần Duy

nguồn:suckhoedoisong.vn

Những bài thuốc cổ truyền chữa sởi

Bệnh sởi xảy ra nhiều tại phía Bắc. Ở bài viết này cung cấp một số bài thuốc chữa sởi theo y học cổ truyền.

Dùng theo triệu chứng

* Có các chứng sợ lạnh, phát sốt, tắc mũi, chân tay lạnh, đi tiêu trong loãng, khát nước, không có mồ hôi, chất lưỡi đỏ, thì dùng bài thuốc gồm: kinh giới 12g, bạc hà 4g, tiền hồ 8g, thăng ma 8g, ngưu bàng 12g, phòng phong 12g, khương hoạt 4g, cát căn 8g, đạm đậu xị 12g, thông bạch 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

* Có các chứng phát sốt, mặt đỏ, da nóng rát, tay duỗi chân co (dấu hiệu vật vã) thích đến chỗ mát, đi tiêu bế tắc hoặc kiết lỵ, rêu lưỡi vàng khô, thì dùng bài gồm: hoàng cầm 8g, sơn chi tử 4g, liên kiều 12g, thục đại hoàng 8g, bạc hà 8g, ngưu bàng tử 12g, kim ngân hoa 12g, tri mẫu 8g, bạch mao căn 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

* Có các chứng sắc mặt hơi vàng, chân tay lười hoạt động, ợ hăng nuốt chua, mình nóng nhiệt khô, rêu lưỡi vàng nhớt, thì dùng bài thuốc gồm: liên kiều 12g, chỉ xác 8g, cát căn 8g, thần khúc 12g, la bặc tử 12g, hoàng cầm 8g, thanh bì 8g, hậu phác 8g, phục linh 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu bụng chướng rắn, ngủ li bì, thở gấp, ỉa không thông thêm thục địa hoàng 8g, hoàng liên 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

* Có các chứng đờm rãi đầy miệng, thở gấp phát hen, ho đờm không ra, rêu lưỡi trắng nhớt, thì dùng bài gồm: đình lịch tử 12g, cát cánh 8g, đởm nam tinh 12g, bạch giới tử 8g, cam thảo 4g, qua lâu nhân 8g, liên kiều 12g, la bặc tử 12g, chỉ xác 8g, trúc nhự 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Dùng theo từng thời kỳ

La bặc tử - Ảnh: K.Vy

* Khi sởi chưa mọc

- Lá diếp cá 16g, cam thảo đất 12g, rau rệu 16g, sắc chia uống 3 lần trong ngày. Nếu có thêm rau má 20g thì càng tốt.

- Bèo cái 12g, ngưu bàng tử 8g, liên kiều 8g, sắn dây 12g, thăng ma 8g, xác ve sầu 4g, đậu xị 12g, sắc uống. Nếu sốt cao gia thêm kim ngân hoa 12g, hoàng cầm 12g.

- Kinh giới 12g, rau má 12g, sắn dây 12g, nước 1 bát, sắc lấy nửa bát, hòa với đường uống dần trong ngày.

- Lá mùi tàu 20g, húng chanh 20g, diếp cá 20g, tất cả rửa sạch, giã lấy nước cốt uống trong ngày.

- Lá mùi tàu 20g, cây nọc sởi 40g, sắc đặc chia uống 2 lần trong ngày.

- Hạt mùi 10 - 15g, giã nát, đem sao nóng với một chút rượu rồi gói vào miếng vải, để lên má mình thấy vừa nóng thì xoa đều lên trán, hai má, sau tai và gáy, đánh dọc hai bên cột sống người bệnh. Thường kết hợp với một bài thuốc uống thì hiệu quả mọc sởi càng cao.

* Khi sởi đã mọc

Ngưu bàng tử - Ảnh: K.Vy

- Lá tre 20g, sài đất 20g, củ sắn dây 12g, mạch môn 12g, cam thảo đất 20g, kim ngân hoa 20g, sắc uống.

- Củ sắn dây 20g, kinh giới 12g, lá từ bi 12g, đậu đen 12g, gừng tươi 3 lát, nước 3 bát, sắc còn 1 bát chia uống 2 lần trong ngày.

- Lá diếp cá 200g, rửa sạch, vò với nước đun sôi để nguội, chia uống nhiều lần trong ngày.

* Khi sởi đã bay

- Sa sâm 120g, hoài sơn 60g, cam thảo 80g, đậu đỏ 120g, mạch môn 80g, hoàng tinh 80g, lá dâu non 120g, hạt sen 120g. Tất cả sao thơm, tán thành bột, mỗi ngày uống 30g, chia làm 3 lần.

- Rễ cây chân trâu 30g, kim ngân hoa 15g, lá diếp cá 15g, vỏ quýt 12g, nước 2 bát, sắc còn nửa bát, chia uống 2 lần trong ngày.

Dự phòng bệnh sởi

- Đậu đen 50g, đậu đỏ 50g, đậu tím 50g, cam thảo dây 20g, tất cả đem ninh nhừ mỗi tuần ăn 2 lần trước và trong mùa bệnh sởi lưu hành.

- Đậu đen 50g, đậu đỏ 50g, đậu xanh 30g, ba thứ đem rang chín rồi nấu nước chia uống nhiều lần trong ngày.

- Đậu đỏ, đậu xanh, đậu vàng, đậu trắng, đậu đen, mỗi thứ 50g, tất cả sao vàng, sắc kỹ dùng làm nước uống hằng ngày.

nguồn: thanhniên online