Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

Trứng vịt lộn: Thức ăn ngon, thuốc bổ quý

Từ lâu đời, trứng vịt lộn đã được nhân dân ta và một số nước châu Á coi là món ăn ngon, thuốc bổ quý

Từ lâu đời, trứng vịt lộn (TVL) đã được nhân dân ta và một số nước châu Á coi là món ăn ngon, thuốc bổ quý. Để tạo nên công dụng này phải có gia vị kèm theo là rau răm tươi và gừng tươi thái chỉ, ăn với TVL vừa luộc xong còn nóng, chấm với chút muối rang cho vừa miệng.

Giá trị dinh dưỡng của TVL

Ở nước ta có nhiều loại vịt nhưng hai loại vịt thường nuôi để lấy trứng là: vịt cỏ và vịt chạy Ấn Độ. Trứng vịt cỏ nhỏ, mỗi quả khoảng 60-65g. Vịt chạy Ấn Độ trứng lớn hơn, mỗi quả khoảng 70-80g. Trong quá trình phát triển từ trứng vịt thành trứng vịt lộn (bào thai vịt), một số chất bị tiêu hao biến đổi thành nhiều chất cần thiết cho sự tăng trưởng của bào thai vịt tạo nên giá trị bổ dưỡng của TVL.

Rau răm

Theo Đông y: rau răm còn có tên là thủy liễu, lão liễu. Rau răm mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, tiêu thực, sáng mắt, sát trùng. Ăn vừa phải rau răm sống thì ấm bụng, mạnh chân, gối, sáng mắt. Ăn nhiều sinh nóng rét, giảm tính khí, giảm tình dục. Phụ nữ hành kinh ăn nhiều rau răm sống dễ sinh rong huyết. Dùng ngoài rau răm có tác dụng chữa hắc lào (giã đắp hoặc ngâm rượu đặc để bôi). Chữa rắn cắn: thêm với 1 số vị thuốc khác cùng với rau răm tươi, giã nát lấy nước uống, còn bã đắp vào chỗ bị cắn.

Món ăn ngon - bài thuốc bổ

Tên món ăn - bài thuốc thường gọi đơn giản là “trứng vịt lộn”, bao gồm TVL 1-2 quả mới luộc còn nóng và gia vị: 5g gừng tươi thái chỉ, 5g rau răm tươi cắt nhỏ và chút muối rang tán nhỏ, thường ăn vào bữa điểm tâm buổi sáng.

Công năng, tĩnh vị bài thuốc “trứng vịt lộn”: TVL là chư vị, có tác dụng: tu âm, dưỡng huyết, ích trí, sáng mắt, giúp cơ thể mau tăng trưởng. Rau răm là hỗ trợ có tác dụng sáng mắt, mạnh chân gối, ấm bụng. Gừng tươi là bổ sung, có tác dụng kích thích tiêu hóa, mạnh tim, giải độc thức ăn, chống suy giảm tình dục (cả nam và nữ).

Món ăn bổ sung: TVL có lượng sinh tố A (retinol) và tiền sinh tố A (beta caroten) khá cao - các chất này phải có đủ lượng dầu cần thiết để hòa tan, cơ thể mới hấp thu được trọn vẹn. Dầu thực vật có tác dụng tốt với cơ thể người là các loại dầu vừng, lạc, đậu nành (chứa nhiều acid béo không no và omega-3). Do vậy, món ăn bổ sung kèm với TVL tốt nhất là 1 đĩa lạc luộc (hoặc lạc rang) hoặc đơn giản hơn là uống 1 thìa canh dầu đậu nành (hoặc dầu lạc, dầu vừng, dầu oliu).

Liều lượng: trẻ em 5-12 tuổi dùng 1 quả TVL/ngày.

Trẻ em trên 12 tuổi - người lớn dùng 1-2 quả TVL/ngày.

Nên ăn vào buổi sáng sớm có kèm món ăn bổ sung.

Liệu trình: tối thiểu 15 ngày - đối với trẻ còi cọc, ăn thường xuyên mỗi ngày 1 lần cho đến 16 tuổi (90% số trẻ bồi dưỡng bằng TVL nhiều ngày, có cải thiện chiều cao và thể lực hơn hẳn dùng thuốc bổ khác). Người lớn ốm yếu nên dùng khoảng 60-90 ngày. Trong thời gian bồi dưỡng bằng TVL, cần kết hợp ăn uống đủ chất (nhất là rau, quả tươi sạch) làm việc, học tập đều có tiến bộ. Bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào, hạn chế bia rượu. Thường xuyên tập luyện thể dục vừa sức.

Thận trọng: trong thời gian bồi dưỡng bằng TVL cần hạn chế ăn các loại gan (gà, vịt, lợn, bò...) hoặc uống thuốc có sinh tố A hàm lượng trên 1.000UI – Vì trong 100g trứng vịt lộn đã có 3.914UI sinh tố A, chưa kể tiền sinh tố

theo 24h

Chữa bệnh loét dạ dày, tá tràng bằng rau bắp cải

Là một loại rau phổ biến trong mùa thu - đông, bắp cải không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn chữa được nhiều bệnh. Đặc biệt là lượng vitamin trong bắp cải cao hơn nhiều so với các loại rau củ quý khác như cà rốt, khoai tây, hành tây. Theo nghiên cứu, hàm lượng vitamin A và vitamin P trong bắp cải kết hợp với nhau làm thành mạch máu bền vững hơn. Trong bắp cải còn chứa các chất chống ung thư như: Sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và Indol -33 carbinol.
Theo Đông y, cải bắp vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng hòa huyết, thanh nhiệt, thanh phế, trừ đàm thấp, sinh tân, chỉ khát, mát dạ dày, giải độc, lợi tiểu. Cải bắp cũng giúp chống suy nhược thần kinh, giảm đau nhức phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch và nhiều loại bệnh khác.
nuocepbapcai.jpg
Nước ép bắp cải chữa bệnh loét dạ dày, tá tràng.
Giảm đau nhức: Ép cải bắp lấy nước uống, còn bã đắp vào chỗ đau nhức do thấp khớp, thống phong, đau dây thần kinh tọa.
Chữa đau khớp, nhức tay chân, nổi hạch: Lấy lá bắp cải cán dập gân lá, hơ nóng rồi áp lên chỗ đau. Mỗi chỗ đau đắp 3-4 miếng lá cải bắp, bên ngoài dùng vải dày áp lên rồi cột lại.
Chữa ho nhiều đờm: Dùng 80-100g cải bắp, nửa lít nước, sắc còn 1/3, cho thêm mật ong uống trong ngày, kết hợp ăn bắp cải sống.
Đái tháo đường: Cải bắp có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa glucid và giảm đường huyết. Dùng 100g hàng ngày giúp phòng và trị bệnh đái tháo đường type 2.
Chữa loét dạ dày tá tràng: Nước ép bắp cải giúp chóng làm lành vết loét, thành sẹo, nhất là loét dạ dày, ruột. Cách làm nước ép bắp cải như sau: Bóc từng lá bắp cải (lấy cả lá xanh bên ngoài), rửa nhiều lần cho sạch, dọc đôi từng lá theo sống lá. Chần qua với nước sôi. Vớt ra để ráo nước. Cho vào cối sạch, giã nát, lấy vải màn hay gạc sạch lọc lấy nước. 1kg bắp cải có thể ép được khoảng 500ml nước. Liều dùng: Mỗi ngày ép 1.000ml nước bắp cải, chia làm nhiều lần để uống, mỗi lần khoảng 250ml, uống thay nước, có thể thêm đường hoặc muối. Mỗi đợt điều trị là 2 tháng. Điều trị bằng nước ép bắp cải không có biến chứng gì, có thể kết hợp với các thuốc chữa dạ đày, tá tràng khác.
Ngoài ra dùng nước ép bắp cải còn có thể chữa viêm họng, viêm phế quản, khản tiếng, phòng chống nhiễm khuẩn, nhiễm nấm ngoài da.
Lưu ý: Người tạng hàn phải dùng bắp cải phối hợp với gừng tươi. Người táo bón, tiểu ít không ăn bắp cải sống hoặc dưa bắp cải muối mà phải nấu chín.
theo suckhoe&doisong

Những quan niệm sai lầm khi sử dụng trứng

Trứng là một loại thực phẩm bổ dưỡng. Tuy nhiên, việc lựa chọn và chế biến không đúng cách loại thực phẩm này lại có thể gây nên những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ cơ thể. Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi sử dụng trứng:

1. Vỏ trứng càng đậm màu, giá trị dinh dưỡng càng cao

Khi mua, chúng ta thường lựa chọn những quả trứng có vỏ màu hồng tươi. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Màu sắc của vỏ trứng chủ yếu do chất oopocphirin tạo thành và hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng.

Các phân tích đã chỉ ra rằng, hàm lượng các chất bổ trong trứng nhiều hay ít đều được quyết định bởi chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc vật nuôi.

2. Hàm lượng dinh dưỡng như nhau trong mọi cách chế biến

Có rất nhiều phương pháp chế biến trứng như: luộc, rán, hấp, muối…Tuy nhiên, xét về khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và tiêu hoá của cơ thể đối với loại thực phẩm này thì món trứng luộc “đứng đầu bảng” với khả năng hấp thụ tối đa là 100%. Trong khi đó, chế biến trứng theo phương pháp hấp chỉ đạt được 98%, xào 97%, rán 92,5% và món trứng trần là 30 - 50%.

3. Thêm bột ngọt khi chế biến trứng

Trứng có chứa sẵn thành phần các chất như: natri, axit glutamic, chất clo hoá … Ở nhiệt độ cao, các chất này kết hợp và tạo thành một chất mới là muối natri của axit glutamic.Chất này cũng là một trong các thành phần chủ yếu tạo nên bột ngọt nhưng có tác dụng làm tăng mùi vị của thức ăn. Do vậy, việc cho thêm bột ngọt khi chế biến trứng sẽ làm phá vỡ kết cấu của các nguyên tử muối natri tự nhiên, từ đó làm giảm hàm lượng dinh dưỡng của trứng.

4. Đun trứng càng lâu càng tốt

Nhiều người cho rằng, khi chế biến, cần đun trứng lâu để trứng chín kỹ. Điều này hoàn toàn không đúng vì đun trứng ở nhiệt độ cao và trong thời gian dài sẽ dẫn tới các phản ứng sinh hoá học giữa các phân tử sắt và lưu huỳnh có trong thành phần của trứng, từ đó tạo nên các chất cặn có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể hoặc dễ gây hiện tượng đầy bụng, khó tiêu khi ăn.

5. Kết hợp trứng và sữa đậu nành

Sữa đậu nành có vị ngọt, tính mát, giàu chất béo, prôtêin thực vật, các hợp chất cácbon, vitamin và khoáng chất thiết yếu. Tuy nhiên trong sữa đậu nành còn có chứa chất chat trypsinase . Chất này khi kết hợp với chất abumin trong trứng sẽ làm mất các chất dinh dưỡng có trong 2 loại thực phẩm.

6. Người già không nên ăn trứng

Nhiều người già không dám ăn trứng thường xuyên vì cho rằng trứng có chứa nhiều cholesterol. Nhưng thực chất, loại thực phẩm này lại rất giàu hàm lượng chất lexithin dễ hấp thụ qua đường máu và rất có lợi cho việc khôi phục hoạt động của các tế bào, tránh lão hoá.

Ngoài ra, chất lexithin còn giúp “trẻ hoá” các tế bào thần kinh, ngăn ngừa bệnh suy giảm trí nhớ.

7. Sản phụ nên ăn nhiều trứng

Cơ thể phụ nữ sau khi sinh thường bị mất đi khá nhiều năng lượng. Hoạt động của hệ tiêu hoá cũng bị suy giảm. Ăn nhiều trứng sau khi sinh sẽ dễ gây ra các hiện tượng như: đầy bụng, khó tiêu do sự tích tụ chất amoniac và phenol trong đường ruột.

Việc ăn trứng nhiều hay ít sau khi sinh cần tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người.

8. Ăn trứng sống nhiều dinh dưỡng

Không những không bổ dưỡng mà việc ăn trứng khi chưa qua chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn cho cơ thể. Trứng sống chứa nhiều các chất khó tiêu hoá, dễ gây ra đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy…Vị tanh của trứng có thể gây ức chế đối với hoạt động của trung khu thần kinh.

theo dantri


CƯỜI CHÚT CHƠI (1)

Lựa chọn của sếp

Sếp gọi cô thư ký và thông báo: "Ông kế toán trưởng luôn kêu ca với tôi rằng cô bao giờ cũng mặc váy quá ngắn, áo xẻ cổ quá sâu khiến ông ta không sao tập trung tư tưởng để làm việc được".

- Ông ta đề nghị cô thay đổi cách ăn mặc, nếu không sẽ phải cho cô nghỉ việc - sếp nói.

- Vậy, sếp quyết định như thế nào ạ? - cô thư ký õng ẹo.

- Đúng là không thể để tình trạng như vậy tiếp tục tồn tại!

- Nghĩa là em sẽ thay đổi thói quen ăn mặc?

- Không, cô cứ ăn mặc như cũ. Người nghỉ việc sẽ là ông ta.


Nữ thư ký và sếp

- Hai người đàn ông nói chuyện với nhau: - Tôi vừa trải qua một cuộc phiêu lưu khiếp quá cậu ạ. Cậu hãy tưởng tượng nhé, cô thư ký xinh đẹp của tớ mời tớ về nhà uống rượu để kỷ niệm sinh nhật tớ.

- Thế thì sao?

- Gượm để nghe tớ kể đã nào. Cô ấy cho tớ uống một ly Martini, cho tớ ăn ôliu và hạnh nhân muối. Cô ấy vặn một điệu nhạc êm dịu rồi bảo tớ: “Bây giờ, em sẽ tặng anh một món quà bất ngờ. Em sẽ vào buồng của em và anh cũng sẽ vào đó sau 5 phút nhé. 5 phút, anh nghe rõ chưa? Và không được sớm hơn đâu đấy!

- Tuyệt, thế mà cậu lại không bằng lòng.

- Để tớ kể nốt đã nào. Khi tớ vào buồng của cô ấy, tớ thấy đủ mặt nhân viên văn phòng và tất cả đều hát bài Mừng sinh nhật..

- Thế thì vui lắm nhỉ.

- Vui gì mà vui. Lúc ấy, tớ đã cởi hết quần áo và chẳng còn mảnh vải nào trên người.

St vnexpress

Những bài thuốc chữa bệnh chàm


Ảnh: shutterstock
Đông y gọi bệnh chàm là “thấp chẩn”. Ngoài việc sử dụng thuốc bôi, rửa chỗ bị bệnh để chống viêm, chống đau, chống ngứa, điều quan trọng là phải điều hòa lại chức năng của tạng phủ, khí huyết.

Lương y Huyên Thảo (Hà Nội) cho biết, theo Đông y, bệnh chàm tuy khu trú ở ngoài nhưng nguyên nhân chính là do sự mất cân bằng trong cơ thể. Bệnh chàm tùy theo vị trí xuất hiện sẽ có tên gọi khác nhau. Bệnh phát ở trẻ bú mẹ gọi là chàm sữa, ngứa sữa (nãi tiên); phát quanh tai gọi là lở vành tai (hoàn nhĩ sang); phát ở bìu dái gọi là chàm bìu (thận nang phong), phát ở tứ chi gọi là tứ loan phong. Bệnh nhân cần căn cứ vào triệu chứng để nhận rõ thể bệnh rồi chọn bài thuốc thích hợp sau:

+ Bệnh nhân thuộc thể thấp nhiệt: bệnh phát nhanh, vết chàm đỏ hồng, nóng rát, có mụn nước nhỏ li ti, khi loét chảy nước vàng, ngứa gãi không đỡ. Lúc bệnh phát thường có sốt, miệng khát, sưng hạch, đại tiện phân khô, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng. Dùng bài thuốc uống sau: thổ phục linh 16g, vỏ núc nác 12g, khổ sâm lá 12g, hạ khô thảo 12g, nhân trần 20g, dây kim ngân 16g, ké đầu ngựa (sao vàng) 12g, cam thảo 6g. Cho các vị thuốc vào sắc. Đun sôi sau giữ nhỏ lửa 15 - 20 phút. Chắt lấy nước, chia làm 3 phần uống trong ngày vào lúc đói.

Kết hợp với thuốc bôi: xuyên tâm liên, ngũ bội tử (hai vị bằng nhau), tán thành bột mịn, trộn với dầu vừng, bôi lên chỗ phát bệnh. Ngày bôi 3-4 lần.


Kinh giới - một vị thuốc chữa bệnh chàm - Ảnh: Minh Ngọc

+ Bệnh nhân thuộc thể tỳ hư thấp trệ: bênh phát ra từ từ, vết chàm hơi hồng, ngứa, gãi sẽ chảy nước vàng, lâu ngày da dày cộm lên, bong vẩy. Bệnh nhân thấy người mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, tiêu hóa kém, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt. rêu lưỡi trắng nhớt. mạch nhỏ yếu. Dùng bài thuốc uống sau: thương truật (sao) 12g, bạch truật (sao) 12g, ý dĩ nhân 16g, thổ phục linh 12g, trạch tả 8g, hậu phác 8g, trần bì 8g, xuyên tâm liên 6g. Sắc với 1.000 ml nước còn 450 ml chia 3 phân, uống vào sáng, trưa, chiều tối khi đói bụng.

Kết hợp với bài thuốc rửa: Xà sàng tử 30g, hổ sâm lá 30g hoặc xà sàng tử 30g, xuyên tâm liên 30g sắc với 1.000 ml nước đun cạn còn 500 ml. Đợi khi thuốc bớt nóng dùng bông thấm nước thuốc rửa kỹ các vết chàm, mỗi lần rửa từ 15-20 phút. Nếu thuốc nguội thì hâm lại cho nóng.

+ Bệnh nhân thuộc thể tỳ hư huyết táo: khi phát bệnh tại vết chàm da sạm đen hoặc nâu đỏ, dày cộm, khô, ngứa, nổi cục, có khi mọc mụn nước. Bệnh hay xuất hiện ở đầu, mặt, cổ tay, đầu gối. Miệng háo nhưng lại không muốn uống nước, bụng đầy kém ăn, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhạt, mạch nhỏ. Thuốc uống: Sinh địa 16g, thục địa 16g, bạch thược 12g, thương truật 12g, kê huyết đằng 16g, kinh giới 16g, phòng phong 12g, xuyên tâm liên 8g, thuyền y 6g. Sắc nước uống vào lúc đói.

Kết hợp với bài thuốc rửa: lá vối tươi 100g, kinh giới tươi 100g. Đun sôi lấy nước rửa vết chàm.

+ Bệnh nhân thuộc thể phong nhiệt: bệnh phát nhanh, cùng lúc xuất hiện ở nhiều vị trí, da hơi đỏ, ngứa, gãi chảy nước vàng, ít loét. Sử dụng bài thuốc uống: kinh giới 12g, sinh địa 12g, thuyền y (xác ve sầu) 6g, kê huyền đằng 12g, khổ sâm 12g, thạch cao 20g, mộc thông 8g. Khi sắc thuốc giữ nhỏ lửa 15-20 phút. Chắt nước chia 3 lần uống trong ngày vào lúc đói.

Thuốc bôi sử dụng như bệnh nhân mắc bệnh ở thể thấp nhiệt.

nguồn thanhnienonline

Công thức "vàng" cho sức khỏe


Cung cấp cho cơ thể đều đặn 2 hộp sữa chua mỗi ngày có thể giúp mang đến cho bạn một vóc dáng gọn gàng, khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường sức đề kháng, cũng như duy trì sự dẻo dai cho cơ thể suốt 24/24.

Sữa chua: "Bí kíp" giữ gìn sự tươi trẻ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ăn sữa chua đều đặn hàng ngày giúp tăng cường vitamin B, loại sinh tố giúp duy trì cảm giác ngon miệng. Không chỉ thế, chính những hộp sữa chua bé nhỏ này còn có tác dụng to lớn trong việc giúp tăng cường hệ miễn dịch, tạo nên cho cơ thể một sự trẻ trung, tươi tắn, khỏe mạnh, tránh xa được bệnh tật và những “dấu ấn” của thời gian.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Michael Zemel và cộng sự thuộc Đại học Tennessee (Hoa Kỳ) cho thấy: Những người tiêu thụ sữa chua 3 lần/tuần có thể tăng tuổi thọ cao hơn so với những người chỉ ăn 1 lần/tuần. Sở dĩ làm được điều này là vì sữa chua có chứa hầu hết các dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức khỏe cho con người. Protein trong sữa chua ngăn ngừa ung thư dạ dày, calcium và sắt ngăn chặn bệnh thiếu máu hồng cầu, vitamin A giúp sáng mắt, lactat trong sữa chua ngừa táo bón và ức chế vi khuẩn có hại, pepton và peptid có tác dụng kích thích chức năng gan.

Đặc biệt, sữa chua còn chứa acid lactic, một chất đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự xâm nhập và kiềm chế hoạt động của các loại vi khuẩn có hại lên làn da của bạn mỗi ngày. Có thể nói, vai trò của acid lactic trong sữa chua như một chiếc “mặt nạ tự nhiên”, che chắn, bảo vệ làn da, giúp da hồng hào, tươi trẻ. Thêm vào đó, các vi khuẩn lên men chua cũng có thể tiết ra chất kháng sinh tự nhiên, kích thích quá trình làm lành da, giúp mau liền sẹo, tái tạo da mới.

Sữa chua cũng nằm trong danh mục 12 loại thực phẩm có tác dụng tốt nhất trong việc giữ gìn vóc dáng cơ thể, do tạp chí Self (một tạp chí chuyên về sức khỏe của Mỹ) bình chọn. Theo tạp chí này, với hàm lượng carbohydrate, protein ở mức vừa phải, sữa chua vừa có tác dụng giảm đói vừa giúp duy trì lượng đường huyết ổn định, rất phù hợp cho những ai mong muốn ăn kiêng, giữ gìn vẻ ngoài cân đối, gọn gàng.

Ngăn ngừa nhiều bệnh nguy hiểm

Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, sữa chua còn đóng vai trò như một “liều vaccine” chủng ngừa một số bệnh nguy hiểm như ung thư, loãng xương, béo phì… Cuộc khảo sát trên 800 ngàn bệnh nhân, kéo dài trong 9 năm của Viện Nghiên cứu Karalinska (Stockholm, Thụy Điển) đã so sánh chế độ dinh dưỡng của các bệnh nhân với nhóm không mắc ung thư bàng quang và đưa ra kết luận: Những người ăn sữa chua thường xuyên mỗi ngày giảm được tới 40% nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang.

Có được tác dụng tuyệt vời đó là nhờ sữa chua chứa các vi khuẩn lên men rất hữu ích cho cơ thể, như Lactobacillus Acidophilus và Bifido Bacterium. Những vi khuẩn lên men này có tác dụng tích cực với đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, sữa chua còn chứa một lượng canxi rất cao (cao hơn cả sữa tươi uống thông thường). Nhờ thế, loại thực phẩm này được xếp loại như một “thần dược” để chống loãng xương hiệu quả.

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia Hoa Kỳ, một hộp sữa chua làm từ sữa tươi với trọng lượng 250g có chứa tới 370mg canxi (so với 300mg canxi trong 250ml sữa tươi). Với hàm lượng canxi này, tùy theo nhu cầu của từng độ tuổi, mỗi người chỉ cần duy trì thói quen ăn mỗi ngày từ 1-3 hộp sữa chua là đã có thể bổ sung cho cơ thể một lượng lớn canxi, giúp xương chắc khỏe.

Những khám phá của bác sĩ Elias Metchinikoff, nhà vi trùng học của Viện Pasteur còn nói rằng: “Sữa chua là một phương thuốc chữa được bệnh tim và giúp cho cơ thể trẻ lâu”.

Trong cuộc nghiên cứu với 98 người ở lứa tuổi từ 29 đến 70 do trường đại học Davis ở tiểu bang California (MỸ) thực hiện đã chứng minh rằng yaourt (sữa chua) có khả năng làm thấp lượng cholesterol từ 5% đến 10% trong vòng một tuần lễ, nếu mỗi ngày dùng 3 hũ yaourt. Yaourt còn ngừa được bệnh đục thủy tinh thể.

Một cuộc nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí Age et Olutrition do bác sĩ Birlovez-Aragon thực hiện chứng minh rằng trong yaourt nhờ chất men lactique của nó làm giảm đi sự nguy hiểm có thể xảy ra của bệnh đục thủy tinh thể. Nhưng trong khi các loại thức ăn khác có chất sữa thì lại chứa nhiều chất lactose, làm tăng gấp 3 lần nguy cơ dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể.

Với những tác dụng rõ rệt như thế, không có gì lạ khi sữa chua được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày. Bác sĩ Pierre Vachet (Pháp) cũng đưa ra lời khuyên: “Nên bảo quản sữa chua ở nhiệt độ 6 độ C để đảm bảo cho các men vi khuẩn có lợi trong sữa chua được bảo vệ tốt nhất. Việc ăn sữa chua cần được duy trì thành thói quen. Vì đó chính là công thức "vàng" giúp bạn tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật, tạo cho cơ thể một vóc dáng khỏe mạnh, cân đối, tràn trề sức sống mỗi ngày…”.

theo thanhnienonline

Dưa hấu: Trái cây bổ dưỡng


Ngoài việc là một loại trái cây giải khát, dưa hấu còn được biết đến là một vị thuốc chữa chứng khô miệng, lở miệng, khan tiếng, táo bón, trị giun sán, cường kinh, tiểu đường, phù thũng….

Dưa hấu thuộc họ thân leo, bao gồm dưa leo, bầu bí và 1 số loại dưa khác. Sinh trưởng mạnh mẽ ở vùng ôn đới và nhiệt đới trên thế giới. Dưa hấu là 1 loại cây có bộ rễ lan xa nên dù ở vùng khô cằn cũng có thể cho ra loại trái cây chứa đến 90% nước, làm cho dưa hấu trở thành nguồn hyđrat hoá quan trọng ở những nơi khan hiếm nước. Dưa hấu được cho là có nguồn gốc từ châu Phi, nơi mà hàng trăm con thú hoang dã đã ăn từ hàng ngàn năm qua.

Dưa hấu đã được trồng ở Ai Cập vào đầu những năm 2000 trước Công Nguyên. Loại trái cây này đã du ngoạn tới Ấn độ khoảng năm 800 sau Công Nguyên và khoảng 300 năm sau ở Trung Quốc. Người Marốc buôn dưa hấu đến Tây Ban Nha vào đầu thế kỉ 8, sau đó nhanh chóng được lan truyền nhanh chóng sang Châu Âu. Ở Việt Nam, dưa hấu được biết đến từ câu chuyện truyền thuyết từ thời Hùng Vương.

Nhiều học giả đều đồng ý rằng hạt dưa lần đầu được đem đến Bắc Mỹ theo những đoàn thuyền chở nô lệ và nông dân ở đây bắt đầu trồng dưa hấu từ những năm 1629.

Trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1894 của Mark Twain đã có lời ca tụng: “Dưa hấu là một sản vật của phương Nam… khi nếm nó, bạn sẽ biết các thiên thần ăn gì!”

Người Mỹ đã quen thuộc với món salad trộn dưa hấu với các nguyên liệu khác như ôliu hay những loại trái cây ép nhuyễn. Người Scilian ở Ý có món tráng miệng gelo di melone là dưa hấu và kem đánh tơi trộn với pistachio băm nhuyễn. Món dưa hấu ngâm chua với bao tử heo giòn cũng được ưa chuộng tại Trung Quốc, Mã Lai… Người Ý còn có món cơm vỏ dưa hấu cuộn thịt xông khói hấp dẫn nữa.

Dưa hấu chứa nhiều lycopene- chất chống ôxy hoá có tác dụng chống lại ung thư ngực (phụ nữ), tuyến tiền liệt (nam giới), ngoài ra còn là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng như các sinh tố A, B1 (Tbiamin), B6 (Pyridoxine), C, E, Magnesium và Potassium. Dưa hấu nên bảo quản ở nhiệt độ 20­0C sẽ giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Sinh tố A và Beta-Carotene hỗn hợp có khả năng làm giảm lượng mỡ tích tụ tạo sự chai cứng thành động mạch ra, chất Pyridoxine (B6) giúp cơ thể tạo tế bào mới, tạo thêm hồng huyết cầu và gia tăng sự chuyển hoá các chất hoá học giúp cơ thể hoạt động hữu hiệu hơn. Thêm nữa, Potassium - một sinh tố khoáng có nhiều trong dưa hấu giúp thăng bằng nhịp tim, gửi Oxygen lên óc và điều hành lượng nước trong cơ thể, ngăn ngừa bệnh cao huyết áp cũng như tránh chứng tai biến mạch máu não.

Với cơ thể yếu, ăn dưa hấu sẽ giúp cơ thể đề kháng được virus xâm nhập, tăng cường miễn dích, nâng cao thị lực. Dưa hấu còn là một trong những loại thực phẩm hiếm hoi cung cấp chất citrulin, loại chất axit-amin có tác dụng làm lành vết thương. Chất này có nhiều hơn ở phần vỏ của nhưng mọi người thường hay bỏ đi.

Dưa hấu cung cấp đủ các dưỡng chất cho phụ nữ, giúp họ có làn da mịn màng hơn, dùng dưa hấu ăn kiêng, không những giúp giảm cân mà còn đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể vì loại quả này có khả năng nhanh làm no mà lại cung cấp rất ít năng lượng.

Các bệnh nhân mắc bệnh về gan, thận, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hoá nên ăn dưa hấu vì loại quả này có khả năng thanh lọc các chất độc khỏi cơ thể, rất tốt những người làm việc ở nơi độc hại hay say rượu.

Do đường fructo trong dưa hấu thuộc loại chuyển hóa chậm nên loại quả này khá phù hợp với bệnh nhân tiểu đường. Những người bị sỏi thận, viêm bàng quang, viêm thận, viêm bể thận bàng quang nên ăn khoảng 2kg dưa hấu mỗi ngày.

Dưa hấu còn là Viagra của thiên nhiên. Bởi khi ta ăn dưa hấu, citrulline có nhiều trong cùi và vỏ, sẽ chuyển hoá thành arginine, một axit amin hữu ích cho hệ tuần hoàn và hệ miễn nhiễm. Đây là khởi điểm cho sự hình thành nitric oxide, chất giúp làm giãn nở huyết mạch mà không bị tác dụng phụ.


(Theo Món ngon)

Tỏi - Vị thuốc từ thiên nhiên

Tỏi từ lâu đã được con người biết đến không chỉ là đồ gia vị làm cho các món ăn thêm phần hấp dẫn và ngon miệng, mà nó còn là một vị thuốc chữa bệnh kỳ diệu của thiên nhiên.

toi1.jpg

Tỏi không chỉ để dùng chế biến các món ăn...

Thành phần của tỏi chứa nhiều chất kháng sinh allicin giúp chống lại các virút gây bệnh. Tinh dầu từ tỏi giàu glucogen và aliin, fitonxit có công dụng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm. Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D, PP, hiđrát cacbon, polisaccarit, inulin, fitoxterin và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể như: iốt, canxi, phốt pho, magiê, các nguyên tố vi lượng.

Loại gia vị này còn giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu, giàu chất chống oxi hoá giúp khôi phục hoạt động của các tế bào trong cơ thể, nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại rất nhiều bệnh tật, trong đó có cả các bệnh ung thư nguy hiểm.

Tỏi không những được sử dụng làm gia vị khi chế biến các món ăn mà nó còn làm thuốc chữa các bệnh như: đau bụng, cảm cúm, đầy bụng, khó tiêu, gan, tim mạch, thấp khớp, huyết áp, tim mạch, tiểu đường…

Trong y học, tỏi được dùng vào mục đích chữa bệnh bằng nhiều cách khác nhau như: ăn sống, chế biến lẫn với thức ăn, ngâm với rượu, ngâm với dấm… Mỗi ngày ăn 10g tỏi sẽ giúp tăng cường khả năng giải độc cho cơ thể.

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên trước khi chế biến tỏi nên thái lát mỏng rồi để ngoài không khí 15phút để các chất kháng sinh có trong tỏi kết hợp với oxy ngoài không khí mới tạo ra chất chống ung thư hiệu quả.

Dưới đây là cách chế biến một số bài thuốc trị bệnh từ tỏi:

toi2.jpg

...mà tỏi còn được coi là một loại thuốc quý chữa rất nhiều bệnh

1. Cảm cúm

- Dùng tỏi sống hoặc tỏi ngâm với dấm trong vòng 30 - 40 ngày để ăn hàng ngày.

- Ép lấy nước tỏi, pha loãng với nước sạch theo tỉ lệ 1:10. Cho thêm chút muối sạch. Dùng nước này để nhỏ vào mũi từ 2 -3lần/ngày.

2. Đầy bụng, khó tiêu

- Dùng nước ép tỏi, bỏ bã pha loãng với nước ấm để uống hàng ngày.

- Lấy 50g tỏi xay nhỏ, ngâm với 200ml rượu trắng trong vòng 15 ngày. Dùng rượu và bã tỏi để uống. Mỗi lần 1thìa cà phê, 2-3lần/ngày.

3. Ho, viêm họng

- Tỏi bóc sạch, để cả nhánh khoảng 10g. Ngâm tỏi với dấm trong vòng 30 ngày. Dùng nhánh tỏi đã ngâm thái lát mỏng rồi ngậm từ 10 - 15phút. Dùng kiên trì có thể chữa được bệnh ho mãn tính.

Lưu ý: Không dùng tỏi sống để ngậm vì đễ gây bỏng họng. Chỗ viêm trong họng sẽ càng nghiêm trọng.

4. Thấp khớp, đau nhức xương

- Tỏi không bóc vỏ, chẻ đôi nhánh ngâm với rượu theo tỉ lệ 100g tỏi với 200ml nước. Ngâm kỹ trong vòng 45 - 60 ngày hoặc có thể lâu hơn. Chắt lấy nước. Dùng nước này bôi nên chỗ đau rùi xoa bóp nhẹ nhàng. Nên dùng thường xuyên, nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ.

5. Tiểu đường

Nên ăn ít nhất là 5g tỏi ngâm dấm mỗi ngày. Ăn liền trong vòng 1 tháng sẽ giúp làm giảm lượng đường trong máu một cách đáng kể.

6. Huyết áp cao

- 10g tỏi ngâm dấm hoặc rượu mỗi ngày sẽ là phương thức giúp ổn định huyết áp hiệu quả. Lưu ý chỉ nên ăn tỏi ngâm, không nên dùng kết hợp với rượu đã ngâm qua tỏi.

- Hoặc có thể dùng 100g tỏi đã bóc sạch vỏ trộn với 100g đậu trắng, Ninh nhừ với 2 lít nước sạch trong vòng 2h. Dùng nước này để uống hàng ngày. Có thể ăn hạt đậu đã ninh nhừ. Nên sử dụng bài thuốc này ít nhất 2tuần/lần.

7. Ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư gan

- Dùng 50g tỏi và 100 quả quất tươi, ép lấy nước. Dùng nước này để uống trước mỗi bữa ăn. Mỗi lần 1 thìa cà phê.

- Đun sôi 100g lá chè xanh với 500ml nước sạch. Khi sôi, cho thêm 5g tỏi đập dập, đun sôi trong 5 giây. Uống nước khi còn nóng và dùng làm nước uống hàng ngày.

Vietbao (Theo: Tin tức Online)

Hoa đào - vị thuốc quý


Hoa đào là loại hoa đặc biệt mỗi dịp xuân về. Đào có 4 giống: Đào bích có màu hồng thẫm, đào phai hoa màu hồng nhạt, đào bạch hoa màu trắng, đào thất tốn hoa nhỏ và nhiều màu, màu đỏ thẫm.

Hoa đào tính bình, vị đắng vào 2 kinh: Can vị, có công năng hoạt huyết, lợi thủy, thông tiện, chữa trị chứng thủy thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện không lợi, kinh nguyệt không thông. Hoa này còn dùng chữa sởi, đậu. Phụ nữ có thai cấm dùng, vì thuốc gây hưng phấn tử cung.

Hoa đào phơi âm can, giã nát, uống nóng với rượu có thể thông đại tiện, trừ được đàm ẩm và chứng súc thủy (tồn đọng nước) ở thận, bàng quang, chuyên trị bệnh cước khí.

Hoa đào tươi hoặc khô đều được dùng làm thuốc, nhưng hoa tươi (đặc biệt là loại mới chớm nở, sắp nở tốt hơn là khô).

Hoa đào nấu với gạo tẻ, mật ong và đường thành cháo để ăn, có tác dụng hoạt huyết, chữa đại tiểu tiện bí kết. Hoa đào và hoa mai lượng bằng nhau, pha lấy nước để rửa mặt, có tác dụng tẩy bỏ dần các vết thâm và nốt xám đen trên mặt, làm đẹp da.

Dùng hoa đào để rửa mặt, nhất là đối với những người da mẫn cảm, có nhọt lâu khỏi, có thể dùng hoa đào và muối ăn cùng lượng, giã nát trộn đều hòa với dấm mà đồ. Nếu trên mặt có nốt mụn ra nước vàng hoặc mủ đặc, có thể dùng bột hoa đào hoặc trà hoa đào để uống.

Hạt giống của cây đào gọi là đào nhân. Đào nhân tính bình, vị ngọt đắng. Cổ nhân thường dùng nhân phối hợp với hồng hoa gia nhập trong thang.

Hoa đào, hoa hồng, hoa tường vi, hoa mai, hoa rau hẹ, trầm hương mỗi loại 30g, hạch đào nhân 240g, rượu nếp, rượu đã chưng cất 1.250ml. Đem các vị trên ngâm trong rượu, nút kín, sau một tháng có thể đem dùng được. Trong quá trình ngâm đó nên lắc nhiều lần cho thật đều. Mỗi lần uống 20ml, ngày uống 1 - 2 lần, có tác dụng chữa liệt dương.

Hoa đào 25g, rửa sạch ngâm với rượu trắng 250ml, đậy nút kín, sau một tuần lấy ra uống. Mỗi lần uống 10ml, pha thêm vào nước sôi để ấm cho loãng ra để uống. Cũng có thể dùng hoa đào, lăng tiêu hoa, mỗi loại 10g, 10 quả trứng gà. Đem rửa sạch hoa xong nghiền nát thành bột.

Trứng gà rửa sạch đem đục một lỗ thủng dốc cho ra bớt lòng trắng, còn lại để nguyên, nhét bột hoa vào trong quả trứng, bịt kín lỗ đục đó bằng giấy ướt, xong bỏ vào trong nồi để hấp cách thủy cho đến chín. Mỗi ngày ăn hai quả chia ra 2 lần, dùng chữa bế kinh.

Để làm hết các nếp nhăn trên da mặt các cô, các chị có thể dùng nước sắc hoa đào rửa mặt. Hoặc là lấy hoa đào, nhân hạt bí đao nghiền mịn, trộn với mật ong, buổi tối xoa lên mặt, sáng dậy rửa đi, các vết nhăn sẽ dần dần hết.

Hoa đào 10g, hoa sen 15g. Phơi khô, nghiền vụn, chia 3 lần bỏ vào trong cốc thủy tinh để pha nước sôi vào như pha trà để một lát cho nước còn ấm, uống như uống nước trà, để chữa các vết sắc tố trên da mặt.

Đào hoa, sơn chi hoa (hoa dành dành) mỗi loại liều lượng bằng nhau, một ít ghixêrin, trộn đều đem nghiền vụn hai hoa xong hòa đều vào ghixerin để làm thuốc bôi lên các nốt mụn trứng cá trên mặt.

*

(Theo An ninh thủ đô)

5 thực phẩm cực độc

Thực phẩm không chỉ nuôi sống cơ thể mà còn là một cái thú của con người. Nhưng đôi khi thực phẩm cũng có thể gây ra các nguy cơ sức khỏe, thậm chí là tử vong khi ăn phải. Dưới đây là những thực phẩm siêu độc:

namdoc.jpg

Không phải các loại nấm đều vô hại
Cá nóc

Cá nóc là món ăn phổ biến ở các nước châu Á bởi nó chỉ cực độc khi chế biến không đúng cách hoặc bị loài cá này cắn. Đối với rất nhiều người, dù biết và rất sợ chất độc có trong cá nóc (chất tetrodotoxin có độc lực cao gấp 1.200 lần so với chất xyanua) nhưng vẫn không thể cưỡng lại hương vị thơm ngon của nó.

Mỗi năm, có khoảng 1 triệu bữa ăn tối khắp toàn cầu sử dụng loại cá này và nó được ví như việc người tham gia các bữa ăn này đang “đánh cược” tính mạng bản thân.

Về tổng thể có 360 loài cá nóc khác nhau, sống ở khắp các vùng trên thế giới. Chất độc trong cá nóc tập trung chủ yếu ở nội tạng, đặc biệt là gan và buồng trứng.

Chỉ những đầu bếp biết chính xác cách sơ chế cá mới được phép thực hiện các món ăn có cá nóc tại nhà hàng. Đây là loại cá rất phổ biến ở Nhật Bản và Hàn Quốc và nó cũng được xuất khẩu sang Mỹ.

Nấm độc

Hầu hết các loại nấm là vô hại. Nếu bạn mua nấm ở các cửa hàng tin cậy, bạn sẽ không phải lo lắng về độ an toàn của nó.

Tuy nhiên, nếu bạn tự hái nấm thì sẽ thật nguy hiểm bởi rất nhiều loại nấm độc khó có thể phân biệt bằng mắt thường và phần nhiều chất độc trong các thực phẩm này ảnh hưởng tới hệ thần kinh, hệ tim mạch và thậm chí gây tử vong.

Lưu ý là các loại nấm độc thường mọc rất nhiều trong các cánh rừng nhiệt đới, dưới các thân gỗ mục.

Tỉ lệ tử vong do nấm độc rất cao, tới 90% bởi triệu chứng ngộ độc thường không xuất hiện ngay, diễn tiến âm thầm và khi có biểu hiện thì các cơ quan trong cơ thể đã ở tình trạng nguy hiểm.

Các loài nhuyễn thể sống ở vùng có thủy triều đỏ

Thủy triều đỏ (tình trạng tảo dinoflagellate nở hoa) là một hiện tượng lặp đi lặp lại theo mùa ở các vùng biển phương Tây và Nam Phi.

Loại tảo này là món ăn ưa thích của các loài nhuyễn thể và khi nở hoa, nó sẽ tạo ra các vùng nước màu nâu, cam, tím, vàng hay đỏ.

Theo chuyên gia chất độc TS Gerbus Müller, phần lớn hiện tượng nở hoa của tảo không gây độc mà chỉ có tảo Alexandrium catenella và Dinophysis acuminate là gây ra tình trạng này. Các loại trai, hàu và nhuyễn thể khác khi ăn các loại tảo này sẽ tích tụ chất độc trong cơ thể, đủ khả năng để gây tử vong cho người ăn phải chúng.

Lạc

Những người dị ứng với lạc đều biết rằng chỉ cần ăn 1 hạt lạc là sẽ biết ngay hậu quả sau vài phút. Nhưng thật không may là nhiều loại snack có dính lạc mà không dễ dàng phân biệt bởi:

- Rất nhiều thực phẩm không trực tiếp sử dụng hạt lạc mà chỉ dùng một lượng rất nhỏ dầu lạc hay đơn giản là được sản xuất ngay cạnh khu vực đang chế biến lạc.

- Nhãn hàng thông báo sản phẩm thường không ghi rõ liệu các sản phẩm đó có sản xuất gần nơi lạc đang được chế biến hay không.

Vì vậy không thể yên tâm với bất kỳ loại snack nào nếu bạn là người bị dị ứng với loại hạt này.

Biểu hiện điển hình nhất của dị ứng lạc là phát ban cấp tính. Tuy nhiên, một số lại có biểu hiện dữ dội hơn như mặt sưng tấy, khó thở, tim ngừng đập và tử vong.

Đồ uống có methanol

Trong những năm gần đây, có một số báo cáo cho thấy xuất hiện nhiều đồ uống có methanol, một dạng chất cồn nguy hiểm.

Methanol là một loại rượu có độc tính cao, thường gặp trong chất dung môi dùng lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, dung dịch mực in cho máy photocopy, nhiên liệu cho các bếp lò nhỏ, dùng pha sơn và như một chất dung môi công nghiệp. Hiện nay có thêm những ứng dụng mới cho methanol, nhất là việc đề nghị sử dụng nó như một nguồn năng lượng thay thế.

Tác động của methanol lúc đầu cũng như ethanol nhưng vấn đề là khi vào cơ thể, methanol sẽ chuyển hóa thành độc tố cực mạnh. Chỉ cần một lượng nhro 4ml (ít hơn 1 thìa cà phê) methanol nguyên chất là đủ để gây mù. Một lượng lớn hơn 10 - 30ml là đủ để cướp đi một sinh mạng.

Theo: Dân trí